Vì sao doanh nghiệp FDI sống khỏe?
Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI thể hiện rất rõ bài tính lợi ích và sự chuyển động của thị trường. Các doanh nghiệp FDI đã tận dụng rất tốt lợi thế của Việt Nam, nhất là những cơ hội từ chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hóa.
Sự có mặt lần đầu tiên của Fuji Xerox tại Việt Nam vào cuối năm 2013 được ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng tại Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) lấy làm ví dụ điển hình cho xu hướng chuyển dịch của các doanh nghiệp Nhật Bản từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.
Ngoài lý do chia sẻ rủi ro khi Fuji Xerox chỉ chuyển một phần, chứ không phải tất cả hoạt động của mình tại Trung Quốc, ông Kawada cho biết, chi phí sản xuất tăng cao đang khiến các nhà đầu tư Nhật Bản tại Trung Quốc muốn tìm kiếm những địa điểm hấp dẫn hơn.
“Việt Nam đang có cơ hội, khi Thái Lan – địa điểm vốn được các nhà đầu tư Nhật Bản ưa chuộng đang có những bất ổn về cả thời tiết lẫn chính trị”, ông Kawada đánh giá từ góc độ của các nhà đầu tư Nhật Bản và kinh nghiệm làm việc 3 năm tại Thái Lan.
Không chỉ các nhà đầu tư Nhật Bản, mà sự xuất hiện khá dày đặc của các doanh nghiệp Hàn Quốc sang thăm dò thị trường Việt Nam thời gian gần đây cũng đã phát đi tín hiệu khá rõ về kế hoạch chuyển dịch.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông David Dollar, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, sự chuyển dịch liên quan đến việc Trung Quốc đang tiến lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.
“Đương nhiên, Trung Quốc sẽ mất đi một số lợi thế và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong các ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động đương nhiên sẽ phải tính tới việc di chuyển. Đây là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam và các quốc gia châu Á khác. Vấn đề là các doanh nghiệp FDI sẽ lựa chọn địa điểm mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho họ”, ông David Dollar phân tích.
Ngay tại Việt Nam, sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI cũng thể hiện rất rõ bài tính lợi ích và sự chuyển động của thị trường. Phân tích chuỗi số liệu doanh nghiệp FDI trong các ngành, lĩnh vực, ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các doanh nghiệp FDI đã tận dụng rất tốt lợi thế của Việt Nam, nhất là những cơ hội từ chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hóa.
“Tỷ trọng vốn FDI đổ vào công nghiệp và xây dựng tăng rất mạnh trong mấy năm qua, từ 57,2% năm 2000 lên 81,37% năm 2012. Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư vào nông – lâm ngư nghiệp giảm mạnh, từ 11,5% năm 2000 còn 3,06% năm 2012.
Xu hướng cũng tương tự khi phân tích các ngành nghề theo tỷ trọng đóng góp trong GDP. Cụ thể, trong 20 ngành nghề đứng đầu về tỷ trọng đóng góp trong GDP, vốn FDI đổ vào chiếm tới 45% tổng vốn đầu tư tại thị trường Việt Nam. So với khu vực đầu tư nhà nước (34%), khu vực đầu tư ngoài nhà nước (10%), có thể thấy, khu vực FDI vận động theo tín hiệu thị trường một cách rõ ràng”, ông Cung phân tích.
Trong số 20 ngành nghề này, như khai thác dầu, khí thiên nhiên, điện, khí đốt, cung cấp nước, dệt may, xi măng, sản phẩm nhựa, xây dựng dân dụng…, khu vực doanh nghiệp FDI cũng có hiệu quả vốn đầu tư tốt nhất so với các các thành phần kinh tế khác.
Đặc biệt, sự đổi ngôi trong danh mục các địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong vài năm trở lại đây cũng không hẳn phụ thuộc vào nỗ lực thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương. Sự lên ngôi của Bắc Ninh, Thái Nguyên hay Vĩnh Phúc… là kết quả của những bài tính lợi ích do sự vận động của thị trường.
“Khi Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương trở nên quá đắt đỏ, các địa phương xa hơn, nhưng có cơ sở hạ tầng thuận lợi sẽ được cân nhắc để đảm bảo được yêu cầu về chi phí sản xuất. Sự có mặt của Samsung tại Bắc Ninh, tiếp đó là Thái Nguyên trong khi cơ cấu FDI theo vùng của Đông Nam Bộ giảm mạnh là những ví dụ điển hình”, ông Cung nói và đặt câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố bám trụ các thành phố lớn khi tình hình thị trường đã thay đổi.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt