Thứ Ba, 09/06/2015 8:47:13 (GMT+7)

VBF2015: Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN để hội nhập quốc tế

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 được tổ chức vào ngày 9/6 tại Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại, hứa hẹn sẽ có nhiều vấn đề “nóng” được trao đổi thẳng thắn giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

VBF2015: Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN để hội nhập quốc tế

Trước thềm diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VBF cho biết: VBF giữa kỳ năm nay với sự tham dự, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ dự kiến gồm các phiên, như: Tổng quan môi trường kinh doanh; thương mại, du lịch và đầu tư: Các vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,  thị trường vốn ngân hàng…

Một trong những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm là việc doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân vẫn “chậm lớn” trong những năm qua. Do vậy, tăng cường năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng là vấn đề rất được quan tâm. Doanh nghiệp tư nhân đóng góp lớn trong tỷ trọng GDP, nhưng việc nhiều doanh nghiệp có xu hướng dừng lại ở quy mô nhỏ, yếu, không đủ mạnh và lớn sẽ  không giúp nhiều trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, để khu vực kinh tế tư nhân lớn lên và trở thành đối tác của khu vực FDI cần có chính sách để doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi, phát triển dựa trên sự sáng tạo, trong đó phát triển công nghiệp hỗ trợ là hướng đi quan trọng.

Đại diện VCCI cho rằng: Nghị quyết 19 được ban hành và triển khai tích cực đã có bước tiến quan trọng trong tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhưng trong điều tra chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI với sự tham gia của VCCI, thì một trong những điểm yếu là thiết chế pháp lý, cần có cải cách nhiều hơn về tư pháp, giảm thiểu rào cản, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp.

Tái cơ cấu kinh tế và sự tham gia của DN nước ngoài

Có cùng quan điểm, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ – Việt, đồng Chủ tịch VBF cho rằng để phát triển khu vực tư nhân phải gắn liền với tiến độ và chất lượng tái cơ cấu doanh nghiệp. Bà Foote đánh giá việc tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, một số nơi còn hình thức, không cổ phần hóa “thực chất”, với chỉ một lượng nhỏ cổ phần bán ra cho nhà đầu tư chiến lược và thị trường. Việc hạn chế tỷ lệ bán ra cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức quá thấp sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông Lộc góp ý cần lưu ý nên xem xét xây dựng Luật về Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, để có khuôn khổ pháp lý cao hơn, thống nhất hơn trong việc đẩy mạnh kiểm soát doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, cần sớm ban hành Luật về các hội, hiệp hội doanh nghiệp.

Bày tỏ quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia B.Foote cho rằng các nội dung thảo luận tại Diễn đàn này cũng chú ý đến việc làm sao gỡ bỏ bức tường ngăn cách doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ( FDI) và doanh nghiệp trong nước. Việt Nam có nhiều nỗ lực trong ban hành các Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới, tuy nhiên, cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vẫn kỳ vọng vào sự cải cách mạnh mẽ hơn.

 

Theo Huy Thắng - Báo điện tử Chính phủ