Ưu tiên đặc biệt nguồn vốn cho lĩnh vực có dự án PPP
Theo Dự thảo Phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đầu tuần này, những ngành, lĩnh vực có dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) được ưu tiên số một.
Trình bày với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020; các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, thất thoát, lãng phí.
Về thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước, theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ưu tiên số một là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư PPP trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP; thứ hai là ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA; thứ ba là ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước. Tiếp theo là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2014, nhưng còn thiếu vốn, các dự án của giai đoạn 2011-2015 chuyển sang giai đoạn 2016-2020. Cuối cùng là các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.
Đối với các địa phương, Dự thảo đề xuất, sau khi tính toán, số vốn đầu tư trong cân đối năm 2016 (không kể số vốn từ nguồn thu sử dụng đất) thấp hơn kế hoạch năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ giao sẽ được điều chỉnh theo hệ số 1,2 lần so với kế hoạch năm 2014 (không bao gồm đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất) được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, các địa phương xây dựng các tiêu chí để tính toán mức vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, phù hợp với quá trình chuyển tiếp giữa Luật Ngân sách nhà nước hiện hành và Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi mới được Quốc hội thông qua, làm rõ cách xác định mức vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương năm 2016 khi kéo dài thời kỳ ổn định giai đoạn 2011 – 2015 sang năm 2016 và xác định mức vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2017 – 2020.
Lý do không lấy căn cứ năm 2015 để tính toán điều chỉnh dự toán vốn đầu tư, theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là năm 2015, trong dự toán ngân sách nhà nước mà Chính phủ trình Quốc hội dự kiến ban đầu không tăng lương, nên đã chuyển toàn bộ phần lớn kinh phí dự kiến bố trí cải cách tiền lương (11.000 tỷ đồng) bổ sung vốn đầu tư trong cân đối cho các địa phương, tăng tới 26,1% so với kế hoạch năm 2014 (giai đoạn 2011-2014 chỉ tăng 5,1%/năm). Vì vậy, việc lấy căn cứ năm 2014 để tính toán điều chỉnh bất hợp lý như nêu trên là phù hợp, bảo đảm cân đối chung và công bằng giữa các địa phương.
Thảo luận về Tờ trình phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị ưu tiên xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước, vì các khoản này khá cao và đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương.
Ưu tiên thứ hai, theo ông Hiển, là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư PPP trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP; bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và thứ ba là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2014, có đầy đủ thủ tục đầu tư, nhưng còn thiếu vốn và các dự án của giai đoạn 2011-2015 còn dở dang chuyển sang giai đoạn 2016-2020 để phát huy hiệu quả đầu tư, không gây lãng phí.
Về vấn đề ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, lĩnh vực có dự án PPP, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, quy định rõ tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư của ngân sách nhà nước trong các dự án PPP ở bộ, ngành, địa phương; có danh mục cụ thể quy định rõ mức vốn, các hạng mục sẽ bố trí vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trong việc thực hiện dự án PPP, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về điều chỉnh bất hợp lý và vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc quy định tỷ lệ điều chỉnh tăng theo hệ số gấp 1,2 lần so với kế hoạch năm 2014; vốn đầu tư trong cân đối của các địa phương năm 2017 được tính tăng 10% so với số vốn đầu tư cân đối trong năm 2016… có thể sẽ dẫn đến áp lực trong bố trí nguồn lực, nếu tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước không đạt kế hoạch đề ra.
Do vậy, đa số ý kiến đề nghị, năm 2016, sau khi phân bổ theo các tiêu chí và định mức chung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và năm 2017, sau khi tính lại tỷ lệ điều tiết, thì các địa phương có số vốn đầu tư trong cân đối thấp hơn kế hoạch năm 2015 (không bao gồm nguồn thu từ sử dụng đất và sổ xố kiến thiết), sẽ được bố trí không thấp hơn số vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2015 và năm 2016 đã được Quốc hội quyết định.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt