Thứ Ba, 31/05/2016 11:21:21 (GMT+7)

TPP – cơ hội hiếm để sống sót?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN), nhưng nhiều DN vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình.

TPP – cơ hội hiếm để sống sót?

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản INFO – Ocean Group (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này

Dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, TPP mở ra những cơ hội lớn cho cộng đồng DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, ngay từ bây giờ, DN phải thay đổi chiến lược đầu tư.

Đối với những DN lâu nay hoạt động chính ở trong nước và khi thị trường bão hòa, đối thủ nhiều, cạnh tranh lớn, thì TPP được coi như phao cứu sinh đối với họ. “Chúng tôi bị hấp dẫn bởi thị trường Mỹ. Nhiều DN đã thành công rực rỡ và cơ hội sẽ càng nhiều hơn khi TPP có hiệu lực. Do vậy,  chúng tôi đã thông qua kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài”, CEO tại một công ty sản xuất giày dép ở Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, khi thực hiện điều đó, DN này sẽ phải bỏ ra khoản chi phí đầu tư lớn để nâng cấp công nghệ, quy chuẩn hóa hoạt động sản xuất và hàng loạt vấn đề khác để bảo đảm các nguyên tắc của TPP. Điều này đã khiến các cổ đông chùn bước và muốn tính toán lại kế hoạch.

Trong khi CEO quả quyết, TPP là cơ hội duy nhất để sống sót, thì các cổ đông lại cho rằng, khoản đầu tư nâng cấp là quá sức với DN. Chưa kể, DN sẽ còn phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ đã đi trước. Do đó, cách tốt nhất là chưa kinh doanh ở thị trường TPP, mà tìm một hướng đi khác hoặc tìm thị trường ngách để tồn tại, chờ đợi cơ hội để vươn lên bứt phá sau.

Liên quan vấn đề này, bạn Phạm Khánh Nhật (Hà Nội) đồng ý với quan điểm của CEO, thậm chí rất bức xúc khi cho rằng: “Tại sao các cổ đông lại nghĩ đến việc tìm thị trường ngách để trốn, mà không dám đầu tư nâng cao năng lực bản thân. Nhiều ông lớn thành công nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sức mạnh bản thân. Vậy sao DN nhỏ và vừa không nâng cao công nghệ của mình?”

Tương tự, bạn Vũ Bảo Vượng cho rằng, việc đầu tư dây chuyền công nghệ mới, tiến ra thế giới là một nước cờ mạo hiểm, mang tính sống còn, nhưng nếu giữ nguyên bộ máy cũ, cố gắng lèo lái để tồn tại, thì khác nào ôm một chiếc phao thủng.

“TPP là con dao hai lưỡi, thuế nhập khẩu về 0% thì hàng hóa nước ngoài cũng sẵn sàng thâm nhập Việt Nam. Đừng trông mong Nhà nước áp thuế cứu DN trong nước. Tự cứu mình trước đã, phải đi tiên phong, bắt tay với nước ngoài, gia công cho họ lấy kinh nghiệm khi ta vẫn còn lợi thế lao động giá rẻ, chi phí sản xuất thấp hơn (so với Mỹ). Một khi nắm được công nghệ, tự tin chất lượng sản phẩm không thua kém hàng nhập khẩu, thì việc đầu tư mạnh vào thiết kế mẫu mã sẽ chiếm lĩnh được thị trường nội địa”, bạn Vượng chia sẻ.

Trong khi đó, bạn Chu Hưng Thắng lại cho rằng, vấn đề là phải đánh giá được năng lực của DN đang ở đâu. TPP như một con đường cao tốc và liệu DN có đủ lực để đi hay chưa? Tham gia TPP không có nghĩa là chúng ta cứ phải xuất khẩu vào các thị trường phát triển như Mỹ và cơ hội còn dài. Khi DN thiếu vốn, năng lực quản trị hạn chế, thì hãy đi từng bước thật vững chắc ở thị trường trong nước, có thể gia công thuê cho các tập đoàn lớn của nước ngoài để học hỏi và khi đủ lực mới tính chuyện thâm nhập thị trường TPP.

Với những quan điểm nhiều chiều như trên, CEO nên làm thế nào để vừa bảo vệ được quan điểm điều hành của mình mà vẫn đảm bảo sự đồng thuận của cổ đông? Ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô miền Bắc và ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương sẽ tư vấn cho CEO trong tình huống này.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Theo Vũ Anh - Báo Đầu tư