Toyota Việt Nam nỗ lực giảm phát thải bằng nhiên liệu xanh
Toyota Việt Nam đang phối hợp cùng Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn triển khai nghiên cứu xăng sinh học thế hệ mới – một giải pháp giảm phát thải CO2 từ các phương tiện giao thông hiện có.
Nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được thực hiện bởi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) cho thấy, trong điều kiện cụ thể, xe thuần điện phát thải 28 tấn CO2 trong vòng đời của mình; xe hybrid sạc ngoài phát thải 24,5 tấn CO2; xe hybrid phát thải 28 tấn CO2 và xe động cơ đốt trong chạy xăng phát thải 34 tấn CO2.
Trong bối cảnh xe xăng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu ngành ô tô thì việc nghiên cứu các nguồn nhiên liệu mới, góp phần giảm phát thải trên xe xăng hiện hành là vô cùng cấp thiết.
Ông Tiền Quốc Hào, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Toyota Nhật Bản phụ trách khu vực châu Á kiêm Chủ tịch công ty Toyota châu Á – Thái Bình Dương cho biết, Toyota có cách tiếp cận đa chiều trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon thông qua việc đưa ra các giải pháp về năng lượng thay thế và lựa chọn các dòng xe điện hóa cho khách hàng phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu di chuyển của họ, bao gồm xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe Hybrid (HEV), xe Hybrid sạc ngoài (PHEV), xe thuần điện (BEV) và xe điện chạy bằng pin nhiên liệu (FCEV)…
Nhờ vậy đã giúp giảm phát thải carbon ngay từ thời điểm hiện tại, không phụ thuộc vào việc phát triển cơ sở hạ tầng hay giới hạn đối tượng khách hàng tiếp cận.
Kể từ khi ra mắt Prius – xe hybrid sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới – vào năm 1997, tính đến tháng 7/2022, đã có 21 triệu xe điện hoá của Toyota bán ra trên toàn cầu, giúp giảm phát thải 162 triệu tấn CO2.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu ô tô dùng động cơ đốt trong. Nếu dựa vào sản lượng bán hàng khoảng 500.000 xe/năm trong năm 2022, sẽ mất cả chục năm mới có thể chuyển sang xe điện hoàn toàn.
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, để phát triển xe điện hóa, trạm sạc là điều kiện tiên quyết với độ bao phủ rộng rãi và chi phí hợp lý. Tại Việt Nam, hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, chưa kể nguồn cung cấp điện phải tăng lên rất nhiều để đáp ứng nhu cầu sạc xe điện.
Đó là chưa kể những quan ngại về sản xuất pin, xử lý pin thải có thực sự sạch và an toàn cho môi trường cũng như nhu cầu quá lớn về điện có được đáp ứng ổn định, an toàn hay không.
Bởi vậy, việc Toyota Việt Nam hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn trong Dự án nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học trên ô tô thế hệ mới tại Việt Nam mang ý nghĩa rất thực tế nhằm hiện thực hoá hoá cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2.
Ông Nakano Keita – Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho hay: “Một giải pháp hữu ích cho Việt Nam để giảm phát thải trong ngành giao thông, không chỉ đối với xe mới bán ra mà còn cho xe đang lưu hành là việc ứng dụng nhiên liệu sinh học, hydro xanh”.
Nghiên cứu sẽ tiến hành đo đạc, theo dõi và đánh giá hiệu quả của việc sử dụng nhiên liệu sinh học đối với ô tô thế hệ mới, bao gồm ô tô sử dụng động cơ xăng thông thường và ô tô sử dụng động cơ xăng lai điện (Hybrid) để phân tích hiệu quả giảm phát thải của các dòng xe khi sử dụng xăng sinh học, hướng tới việc ứng dụng rộng rãi trong điều kiện giao thông tại Việt Nam.
Đây sẽ là giải pháp dễ dàng hơn cho các phương tiện hiện tại đối với mục tiêu giảm phát thải C02, thay vì phải chuyển đổi xe đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt