Tìm kiếm thêm các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đây là nội dung được trao đổi tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trong nước và nước ngoài” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 29/7.
TS. Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết từ năm 2014 đến nay, dư nợ tín dụng của DN không ngừng tăng trưởng và hiện đang duy trì ở mức khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Tính đến thời điểm 31/5/2016, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đối với DN tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực DN tư nhân chiếm tỉ trọng dư nợ tín dụng lớn nhất (75%) và tốc độ tăng trưởng dư nợ nhanh nhất (18%).
Đến hết quý II/2016 đã có trên 540 hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng với các DN được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 doanh nghiệp và hơn 160.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình..) trong việc vay vốn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, cho vay mới…
Tổng số tiền được hỗ trợ theo chương trình từ khi triển khai đến 6/2016 đạt 880.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay của chương trình phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn; 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1% so với trước đây. Gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ với dư nợ khoảng 80.000 tỷ đồng.
NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai, nhân rộng chương trình bình ổn thị trường trên toàn quốc. Theo đó, các TCTD sẽ tạo điều kiện về vốn, lãi suất ưu đãi cho vay đối với các DN được UBND tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, thực tế việc tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn có lãi suất ưu đãi của DN vẫn đang là vấn đề nan giải, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 600.000 DN nhưng có tới 30% DN nhỏ và vừa vẫn “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% DN khác cho biết “rất khó tiếp cận” nguồn vốn do không có tài sản thế chấp. Điều này cho thấy việc tiếp cận vốn vẫn là “bài toán khó” với DN nhỏ và vừa.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trực tiếp chia sẻ nhiều câu hỏi của DN về một số trường hợp cụ thể trong việc tiếp cận được vốn từ Quỹ Phát triển DN nhỏ và giải đáp băn khoăn của DN bất động sản nghỉ dưỡng.
Đại diện Vietinbank cho biết khi cho vay, ngân hàng phải xem xét, cân nhắc về “lịch sử của doanh nghiệp”, do đó ngân hàng rất khó cho vay với những trường hợp có nợ xấu. Hơn nữa, trong các trường hợp cụ thể là xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng thì chưa được triển khai tín dụng nhiều, do đó, ngân hàng rất phải cẩn trọng đánh giá lại tính khả thi của dự án.
Ông Đặng Quyết Tiến (Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính)thừa nhận, tình trạng DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn là có thật. Nguyên nhân là do sức khỏe nội tại của DN có nhiều vấn đề như không có tài sản đảm bảo, tính minh bạch kém, hệ thống báo cáo tài chính chưa được thực sự quan tâm nên số liệu phản ánh chưa chính xác, chưa được kiểm toán, thiếu tin cậy…
Điều này khiến TCTD thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn, thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh của các DN; khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ vay do thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý kéo dài, cách thức xử lý chậm trễ của các cơ quan có thẩm quyền…
Ông Hoàng Quang Phòng (Phó Chủ tịch VCCI) nhận định Chính phủ hiện rất quan tâm tới sự phát triển của cộng đồng DN. Trong đó, vấn đề trọng tâm là tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra mắt Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (SMEDF) với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi dành cho DN nhỏ và vừa; World Bank (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tham gia hỗ trợ vốn cho DN Việt Nam thông qua các dự án.
Theo đó, điều kiện để được vay vốn từ Quỹ là DN phải hoạt động trong lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải… Mức vay tối đa 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Thời hạn vay tối đa 10 năm với lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay vốn và luôn thấp hơn 90% lãi suất cho vay thương mại. Lãi suất cho vay vốn ngắn hạn với thời hạn vay vốn dưới 01 năm là 5,5%, còn lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn là 7%/năm.
Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết thêm hiện Nhà nước đã có Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, nhưng nguồn lực của Quỹ còn hạn chế, các chính sách cho vay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để thông thoáng, phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp hơn.
Vì thế, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp cận các quỹ quốc tế hoặc các tổ chức cho vay của nước ngoài có chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN dân doanh để đa dạng các nguồn vốn tiếp cận cho doanh nghiệp.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt