Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam
Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam” diễn ra ngày 29/11/2022 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã tập trung thảo luận về sự cần thiết thúc đẩy năng suất lao động (NSLĐ) trong bối cảnh hiện nay, rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành. Đồng thời, đánh giá thực trạng NSLĐ theo các góc độ tổng thể của nền kinh tế, ngành kinh tế, khu vực doanh nghiệp và theo vùng, địa phương, vùng kinh tế trọng điểm và đề xuất mục tiêu phát triển cũng như định hướng, giải pháp chính cho giai đoạn tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế – xã hội. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương. Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng theo hướng cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đáng chú ý hơn, ở Việt Nam, thành quả tăng trưởng kinh tế đã đi đôi với công bằng thay vì phải đánh đổi công bằng để tăng trưởng nhanh.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, những thành công trong quá khứ đã thúc đẩy Việt Nam hướng tới các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống cao hơn. Việt Nam cũng xác định các trụ cột chính để hiện thực hóa khát vọng vươn cao, trong đó, nhấn mạnh duy trì tăng trưởng cao dựa trên thúc đẩy năng suất lao động, nuôi dưỡng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế gắn với độc lập, tự chủ.
Với những yêu cầu đó, tăng NSLĐ là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu là nước phát triển với thu nhập cao vào 2045.
Trong giai đoạn vừa qua, NSLĐ của Việt Nam cũng có những cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 trước đó. Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nước có mức NSLĐ thấp và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cụ thể nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.
Để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể tổng hợp, tập trung nghiên cứu, đề xuất và tham mưu chính sách, giải pháp cho Chính phủ trong công tác điều hành thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương gợi mở một số vấn đề để các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận. Một là, xu hướng NSLĐ của Việt Nam trong mối tương quan với tăng trưởng và với các nước trong khu vực. Hai là, hiệu quả thực thi chính sách thúc đẩy NSLĐ quốc gia trong giai đoạn vừa qua. Ba là, những điểm nghẽn đang cản trở tăng năng suất lao động. Bốn là, nguyên nhân và những sáng kiến nhằm thúc đẩy NSLĐ hướng tới tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố bất định, khó lường.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng bày tỏ cảm ơn sự hợp tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) đã hỗ trợ các hoạt động nhằm tăng cường năng lực và thúc đẩy cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như tăng trưởng của nền kinh tế; góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam nói chung và giữa USAID với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Gregogy Leon, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước, USAID cho biết, USAID vui mừng được hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong nỗ lực thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và ngành có hiệu quả. Đây là một phần trong cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trở thành một nền kinh tế bao trùm, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Gregogy Leon cho rằng, NSLĐ là tác nhân chính của nền kinh tế. NSLĐ của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp trong nước vẫn sử dụng nhiều lao động; gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, tăng cường năng lực quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm, tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực và toàn cầu.
USAID đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nữ làm chủ và nhóm yếu thế làm chủ thông qua tiếp cận công nghệ và vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh; thông qua các hoạt động trực tiếp với doanh nghiệp, các hoạt động thị trường và cải cách hành chính cũng như các giải pháp tác động đến toàn bộ mô hình tăng trưởng của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chính thức và mở rộng quy mô cho các doanh nghiệp nhỏ. Từ đó đưa ra các giải pháp đồng bộ về tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường áp dụng công nghệ trong các ngành nghề. Đồng thời mong muốn tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm ra các cách thức hợp tác, tạo ra tác động, hỗ trợ Việt Nam trong cải thiện NSLĐ tiến tới một nền kinh tế phát triển có thu nhập cao.
Trình bày nội dungThúc đẩy tăng NSLĐ ở Việt Nam: Nỗ lực và hiệu quả, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thực trạng NSLĐ hiện nay có những tồn tại, hạn chế là do việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa tác động tăng cao năng suất nội ngành; thiếu đồng bộ trong phát triển chuỗi giá trị các ngành công nghiệp; sử dụng nhiều tài nguyên, lao động, tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn hạn chế; Hạ tầng cho phát triển dịch vụ hiện đại kém phát triển; Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về tiếp cận và ứng dụng công nghệ; liên kết khu vực FDI và khu vực trong nước còn yếu; Hạ tầng kết nối của các vùng kinh tế trọng điểm chưa theo kịp sự phát triển, liên kết về kinh tế giữa các địa phương ít dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị; Khu vực kinh tế phi chính thức tương đối lớn; Thể chế, chính sách liên quan chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chương trình hỗ trợ thúc đẩy năng suất chưa có sự thay đổi thích ứng với các yêu cầu mới.
Từ thực trạng và bối cảnh hiện nay, Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ hướng tới mục tiêu coi NSLĐ là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững; trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số và thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; từ đó góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ dự kiến đặt ra một số chỉ tiêu như tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6,5-7,0%/năm; tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước; Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng; Phấn đấu nằm trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ vào năm 2030; Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Chương trình đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến cơ chế, chính sách thực hiện phong trào thúc đẩy NSLĐ quốc gia; ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; huy động nguồn lực; cải thiện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nhân lực; phát triển vùng và liên kết vùng; nhóm giải pháp về ngành; hợp tác quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận về cơ hội và sáng kiến thúc đẩy NSLĐ cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Các diễn giả cho rằng, tăng tăng NSLĐ là điều kiện tiên quyết, là nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, vừa là trọng tâm chiến lược nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giúp Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” các quốc gia trong khu vực.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia đã chia sẻ những góc nhìn về kết quả tăng NSLĐ trong suốt những năm vừa qua; thảo luận những định hướng, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tăng NSLĐ; thúc đẩy NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng NSLĐ; đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức; cải cách thể chế, hiện có nhiều chương trình đã được ban hành nhưng nên có chương trình cải cách thể chế về tăng NSLĐ trong ngắn hạn. Đại biểu cũng đề xuất những chính sách, giải pháp hữu ích, khả thi để tăng NSLĐ trong giai đoạn tới.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cảm ơn và đánh giá cao ý kiến của các diễn giả, đại biểu, mở ra những góc nhìn mới về điểm nghẽn cũng như tìm kiếm các cơ hội và đề xuất sáng kiến, giải pháp đối với tăng NSLĐ; đề nghị Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện Đề án Chương trình, sớm trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những kết quả khá quan trọng, tuy nhiên, vẫn là nước có NSĐL thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và thế giới. Thực tiễn cho thấy có nhiều điểm nghẽn cản trở tăng NSLĐ như thể chế, chính sách chưa được hoàn thiện đồng bộ; trình độ, kỹ năng của nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; một số động lực sáng tạo mới còn thiếu và yếu.
Do vậy, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung như cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực có thể huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nhất, thúc đẩy hỗ trợ khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế; tiếp tục thu hút FDI một cách chọn lọc, ưu tiên các dự án chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động hiệu quả hơn.
Tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia vào dòng chảy thương mại toàn cầu, biến dòng chảy đó thành động lực cho cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và NSLĐ. Cùng với đó là thúc đẩy và hình thành các động lực từ các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, thúc đẩy thu hút công nghệ mới, bao gồm công nghệ số, đổi mới sáng tạo; lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành có tiềm năng. Tập trung cải thiện hiệu quả thị trường lao động, thiết lập cơ chế đủ mạnh để thu hút nhân tài, mở rộng, phổ cập nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ cơ chế thực thi, khuyến khích các sáng kiến, phong trào thúc đẩy sản xuất quốc gia, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế mới, để mọi lao động đều được trao cơ hội, qua đó phát huy tối đa năng lực của mình, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt