Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam, Tập đoàn Meta tổ chức ngày 09/11/2022 với sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm và đồng hành trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Tiên phong, dẫn dắt hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang ngày càng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của mỗi quốc gia; Đảng và nhà nước Việt Nam cũng đã khẳng định chủ trương này tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu thì đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và quản lý đầu tư, phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự thảo, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các chiến lược, chương trình hành động về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam…
Với vai trò là cơ quan tiên phong, dẫn dắt hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như USAID, UNDP, GIZ, JICA, JETRO,… và các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Nhận thấy được nhu cầu và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2021, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động ban hành Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu 100% doanh nghiệp Việt Nam đều được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số điển hình thành công.
Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công
Sau gần 02 năm thực hiện, Chương trình đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động cụ thể với hàng triệu lượt tiếp cận thông tin về Chương trình và đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, tạo niềm tin, động lực, bài học kinh nghiệm tốt lan tỏa cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần giúp các doanh nghiệp tự tin, có hướng đi đúng, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức khi triển khai chuyển đổi số.
Tuy nhiên, qua cuộc khảo sát gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thực hiện về chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành chuyển đổi số, ví dụ 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.
Từ ý nghĩa và kết quả hoạt động đó, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trong quá trình phát triển hiện nay, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có một ý nghĩa hết sức quan trọng, khi mà hơn 800 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị kinh tế linh hoạt, cần khả năng thích ứng cao, cần không ngừng nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Điều này buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng. Vì vậy, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, là phương thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.
Song song với Chương trình chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chủ động nghiên cứu, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; tích cực triển khai hoàn thiện cơ sở vật chất của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối đầu tư, đổi mới sáng tạo, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Để đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa thì ngoài sự tham gia của Bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực và đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức thì còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu
Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI, chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia. Với chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, hiện nay, Việt Nam đã có ngành viễn thông và công nghệ thông tin tương đối phát triển làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển, các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển, đặc biệt là sau mấy năm bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch Covid. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn.
Thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các bộ ngành, cơ quan quản lý và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, các chính sách về chuyển đổi số đã được ban hành với cách tiếp cận là các nền tảng số để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong thời gian quan, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số bằng các nền tảng số và thu hút hơn 500 nghìn doanh nghiệp tham gia và có khoảng 70 nghìn doanh nghiệp đã sử dụng các nền tảng số.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng chia sẻ những câu chuyện chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp nhỏ và vừa và hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số mang lại hiệu quả vượt trội, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Từ đó, tạo nên cảm hứng cho cả cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách cùng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cất bước mạnh mẽ hơn trong hành trình này.
Diễn đàn đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số được nghe các bài trình bày từ các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, VCCI về các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Thực trạng mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc: thách thức và những kết quả đạt được; Thực trạng mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc: thách thức và những kết quả đạt được. Diễn đàn diễn ra hai phiên thảo luận về các giải pháp toàn diện về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các giải pháp thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, mở rộng thị trường và tăng doanh số bán hàng.
Diễn đàn là cơ hội để các bộ, ban ngành, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tìm hiểu về những thách thức mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt, trao đổi, thảo luận và chia sẻ về thực trạng, các chính sách, chương trình, xu hướng, cơ hội và các công cụ, giải pháp, về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Diễn đàn góp phần quan trọng để Việt Nam tận dụng cơ hội và tháo gỡ những nút thắt, đưa các giải pháp về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào thực tiễn doanh nghiệp./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt