Thúc đẩy cải thiện việc làm trong ngành điện tử tại Việt Nam
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phần lớn các doanh nghiệp ngành điện tử ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường xuyên gặp khó khăn về tài chính, thời gian cho việc xây dựng mối quan hệ với người lao động; môi trường lao động trong ngành điện tử hiện nay ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm, khắc phục.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ và thực hành luật pháp lao động là một thách thức lớn đối với các công ty hoạt động tại Việt Nam.
Đánh giá về môi trường làm việc tại các công ty điện tử Việt Nam, tại Hội thảo thúc đẩy việc làm trong ngành điện tử tại Việt Nam diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/9 bà Nguyễn Thị Như Phương, Trưởng đại diện phía Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho rằng hầu hết công nhân trong các công ty điện tử có quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam đều phải làm việc trong môi trường nóng bức, không có điều hòa không khí và thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, chủ yếu là chì.
Trong số đó, có nhiều công nhân nữ, trẻ tuổi và mang thai nhưng không biết các quyền lợi, chế độ mà mình được hưởng để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ.
Theo ông Giang Văn Nam, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chủ yếu là doanh nghiệp nhận gia công lại cho các đối tác khác. Do đó, họ không chủ động được đơn hàng và duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động, càng không thể quan tâm đến chất lượng môi trường lao động của công nhân.
Một khó khăn khác trong lao động điện tử ở Việt Nam là chất lượng lao động thấp, thiếu kỹ năng tư duy và giải quyết các vấn đề.
Theo bà Trần Thu Lê, Giám đốc nhân sự Công ty Intel Việt Nam, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề, đặc biệt lao động nữ tham gia học các nghề kỹ thuật, điện tử rất ít. Vì vậy, khi tuyển dụng, công ty thường phải đào tạo, đào tạo lại ít nhất 3 tháng thì công nhân mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thế nhưng, khi đã được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc, công nhân lại “nhảy việc” sang các công ty khác có mức lương cao hơn.
Trước thực trạng trên, các đại biểu cho rằng các ngành chức năng Việt Nam cần có chính sách riêng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện để doanh nghiệp có đơn hàng thường xuyên, ổn định.
Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận thì mới thúc đẩy việc tạo ra việc làm mới và cải thiện môi trường làm việc của người lao động.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết dạy nghề giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng là giải pháp được nhiều đại biểu đề cập nhằm nâng cao chất lượng lao động.
Ông Rene Robert, Chuyên gia ILO, nhấn mạnh đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn xa hơn về chiến lược sử dụng lao động, coi điều kiện lao động tốt là yếu tố giúp gia tăng cạnh tranh và đem lại lợi nhuận.
Theo ông Rene Robert, thanh tra lao động Việt Nam cần xây dựng bộ công cụ đánh giá việc tuân thủ pháp luật lao động dành riêng cho ngành điện tử. Đồng thời có cơ chế, chế tài yêu cầu các doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật lao động để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công nhân.
Quan trọng nhất, doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan liên quan cần trực tiếp đối thoại để tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao chất lượng môi trường làm việc cho người lao động.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản phẩm ngành điện tử là nguồn xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau sản phẩm ngành may mặc.
Giai đoạn từ năm 2005 đến nay, số lượng công nhân tham gia ngành điện tử tăng rất nhanh, từ 46.000 công nhân (năm 2005) lên 327.000 công nhân (2013).
Trong thời gian tới, điện tử vẫn được xác định là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt