Thứ Hai, 30/10/2023 8:04:00 (GMT+7)

Thủ tướng chứng kiến dấu mốc đột phá với chuỗi dự án khí – điện 12 tỷ USD

Thủ tướng chứng kiến dấu mốc đột phá với chuỗi dự án khí – điện 12 tỷ USD

Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng, quyết tâm của các bên liên quan trong công tác đàm phán, phát triển dự án, tìm kiếm các giải pháp phù hợp...

Sáng 30/10 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm này.

Cùng dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, Đại sứ Nhật Bản, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn đối tác của Petrovietnam tại chuỗi dự án gồm MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan).

Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD.

Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.

Các ý kiến phát biểu tại sự kiện cho rằng, chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn với đặc thù cần có tiến độ đồng bộ đã trải qua thời gian rất dài (gần 20 năm), nhiều lần đàm phán khó khăn, giằng co giữa các đối tác trong và ngoài nước, quá trình chuẩn bị đầu tư với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục; chậm triển khai vì những lý do cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chính.

Trước thực tế nói trên, trong nhiệm kỳ hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã kế thừa kết quả qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ, khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của tất cả các đối tác, trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Thái Lan, nhiều lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để giải quyết toàn bộ các khó khăn vướng mắc của chuỗi dự án thuộc thẩm quyền, cùng với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, cơ quan, địa phương, sự quyết tâm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác, với tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu”.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, tháng 6/2023, nhận thấy những khó khăn tại dự án điện khí Ô Môn III và IV, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để Petrovietnam chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án này. Đây là quyết sách rất chiến lược.

Tại buổi lễ, Petrovietnam và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng: Thỏa thuận khung Lô B; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng Bán khí Ô Môn I; Trao thầu Hợp đồng EPC#1. Đây là sự kiện tạo tiền đề để Petrovietnam và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần trong thời gian tới.

Dòng khí LNG từ kho LNG PV Gas Thị Vải sẽ được vận chuyển bằng đường ống và bằng LNG ISO Container

Theo Petrovietnam, mang sứ mệnh góp phần bảo đảm “năng lượng cho phát triển”, cùng những kinh nghiệm dày dặn tích lũy được khi triển khai thành công các chuỗi dự án khí – điện trọng điểm: Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai, Cà Mau, Thái Bình… Petrovietnam tự tin với sự ủng hộ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành; sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ của các đối tác; sự đoàn kết, quyết tâm “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, tinh thần không ngại gian khó của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, toàn chuỗi dự án khí điện Lô B sẽ đi vào triển khai đồng bộ và hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, cũng như mang lại lợi ích cho các bên tham gia./.

chinhphu.vn