Thu hút vốn Nhật Bản: Quyết tâm thay vì dò xét
Nhật Bản luôn là thị trường trọng điểm trong thu hút đầu tư của Việt Nam, song việc kêu gọi doanh nghiệp nước này đầu tư vào Việt Nam hoàn toàn không dễ.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, nhưng không tìm được đối tác, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam mỏi mắt tìm nhà đầu tư mà “duyên” không tới. Nghịch lý này đang được các chuyên gia mổ xẻ nhằm thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản.
Tại hội thảo xúc tiến đầu tư của đoàn doanh nghiệp tỉnh Ehime (Nhật Bản) vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty Esuhai – đơn vị tổ chức sự kiện này cho biết, nguyên nhân là do cách làm.
Theo ông Sơn, để tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, Esuhai đã tiếp cận tỉnh Ehime và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản để kết nối trực tiếp. Trong quá trình đó, các cơ quan của tỉnh thường xuyên kết nối với các doanh nghiệp để cập nhật thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp khi sang Việt Nam xúc tiến đầu tư, sau đó cung cấp cho đối tác Esuhai. Về phần mình, ông sang Nhật, tới từng công ty, nghe nguyện vọng và lấy thông tin để giới thiệu cho công ty Việt Nam.
“Chúng tôi gọi trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam và thông báo về sự kiện doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến đầu tư… Doanh nghiệp Việt Nam thấy có doanh nghiệp xúc tiến cho mình, nên quan tâm đến sự kiện và đăng ký tham dự. Chính vì vậy, hôm nay, họ đến đây và kết quả là hai bên tìm được đối tác và ký được hợp đồng. Nói cách khác, muốn nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư từ Nhật vào Việt Nam, thì phải thay đổi cách làm”, ông Sơn cho biết.
Kinh nghiệm khi làm việc với Ehime còn cho thấy, Tỉnh trưởng tỉnh Ehime rất am hiểu các thế mạnh và doanh nghiệp của tỉnh mình và ông đến Việt Nam với trách nhiệm xúc tiến rất rõ ràng. Trong quan niệm của người Nhật, quản lý chỉ là một phần trong chức năng của chính quyền và điều quan trọng là phải nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Quan điểm này cũng được TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề cập tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả xúc tiến và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây.
“Nhà nước với tư cách người hỗ trợ thì phải tổ chức kết nối, lăn lộn với doanh nghiệp. Tư duy về nhà nước chúng ta mới chỉ dừng ở mức độ quản lý, kiểm soát. Tư duy trị nhiều hơn tư duy thúc đẩy, hỗ trợ và điều này ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư”, ông Cung nói.
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, nhưng chưa thành công như mong đợi. Về vấn đề này, ông Sơn cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đi nhiều hội thảo, nhưng chủ yếu đến chỉ để dò xét, chứ chưa có quyết tâm cao.
“Tôi mong doanh nghiệp Việt Nam bỏ tư tưởng ngại khó. Công ty Nhật có cách rất hay là, hợp đồng làm sản phẩm cho họ nếu chưa đạt, mình có thể xin lỗi và trình bày với họ rằng, sức của chúng tôi chỉ đến đây và đề nghị được chỉ dẫn cách làm. Khi đó, doanh nghiệp Nhật thường sẵn sàng đưa chuyên gia sang chỉ cho mình. Đây là một nét văn hóa của Nhật Bản mà doanh nghiệp cần tận dụng”, ông Sơn cho biết.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt