Thứ Ba, 02/06/2015 8:07:41 (GMT+7)

Thu hút vốn FDI: Dự án nhỏ cấp tập vào công nghiệp hỗ trợ

Trong khi vẫn đang phải chờ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn để “đổi chiều” lượng vốn FDI vào Việt Nam, thì các dự án FDI quy mô nhỏ lại đang cấp tập đến, góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Thu hút vốn FDI: Dự án nhỏ cấp tập vào công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ đang thu hút khá nhiều dự án FDI. Ảnh: Chí Cường

Cách đây khoảng 1 tuần, ông Jang Sang-Wook, Tổng giám đốc Điều hành Công ty JNTC (Hàn Quốc) đã tới Vĩnh Phúc để chia sẻ kế hoạch đầu tư dự án sản xuất kính quang học tại Việt Nam. Dự án dự kiến có vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu USD, cần 6 ha đất và sẽ tuyển dụng khoảng 2.000 công nhân.

Tất nhiên, Vĩnh Phúc hoan nghênh dự án này, nhưng kết quả cuối cùng còn tùy thuộc vào quyết định của JNTC – một trong những nhà sản xuất chuyên cung ứng linh kiện cho Samsung bên Hàn Quốc. Sang Việt Nam, JNTC cũng đang nhắm đến hai khu tổ hợp công nghệ cao, chuyên sản xuất thiết bị di động của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Quy mô vốn đầu tư của hai tổ hợp này hiện đã lên tới 7,5 tỷ USD, đang cung ứng tới 35% sản lượng thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu.

Nếu như JNTC mới dừng ở bước thăm dò, thì Vina Anydo Electronics (cũng của Hàn Quốc) đã quyết định chọn Vĩnh Phúc để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, gia công các linh phụ kiện dùng cho điện thoại di động và các thiết bị điển tử khác. Vốn đầu tư không lớn, chỉ 700.000 USD và cũng chỉ sử dụng gần 2 ha đất để xây dựng nhà máy, nhưng Vina Anydo Electronics đang hy vọng nhanh chóng hoàn thành việc lắp đặt máy móc trên khu nhà xưởng thuê lại của Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng An Thịnh (KCN Bình Xuyên) để tới tháng 8 năm nay, bắt đầu đi vào hoạt động và cung ứng sản phẩm cũng cho Samsung.

Quy mô dự án tuy không lớn, song với mục tiêu giải quyết việc làm cho 252 lao động, lương bình quân 200 – 300 USD/tháng, đạt doanh thu 16,46 triệu USD/năm, thì đây cũng không hẳn là những con số quá nhỏ. Nhiều dự án như vậy sẽ góp phần nâng tổng vốn FDI vào địa bàn, và quan trọng hơn, sẽ có tác động lan tỏa đến kinh tế – xã hội địa phương và góp phần hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam.

Cũng thuộc diện “năng nhặt, chặt bị”, trong tháng 5/2015, Bắc Giang đã cấp chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án FDI quy mô nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Điển hình là Nhà máy Mooroc Printec Vina, vốn đầu tư 2 triệu USD. Bên cạnh đó, còn có Dự án Wonjin Vina (quy mô 10 triệu USD), Dự án Fine Eleccom Vina (quy mô 500.000 USD)…

Trong khi đó, ngày 27/5, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư Eujin Winsys Co., Ltd. (Hàn Quốc) để thực hiện Dự án Nhà máy Sản xuất điện tử Haengsung Việt Nam, chuyên sản xuất, lắp ráp bảng vi mạch điện tử, bo mạch điện tử cho các sản phẩm điện tử, điện thoại… Tổng vốn đầu tư của Dự án tương đương 100 triệu USD, trong đó vốn góp để thực hiện dự án tương đương 10 triệu USD.

Tất cả các dự án này đều đặt kế hoạch đưa nhà máy vào hoạt động chỉ trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm, để đáp ứng nhu cầu linh kiện, phụ kiện của các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này, trong đó có Samsung và cũng không loại trừ LG, Microsoft.

Đáng nói là, đó chỉ là những dự án “cập bến” Việt Nam trong tháng 5 vừa qua và cũng là những thống kê chưa đầy đủ. Song những động thái này cho thấy, đang có ngày càng nhiều nhà đầu tư vệ tinh theo chân các đại gia điện tử hàng đầu thế giới vào Việt Nam.

Chưa có những thông tin chính thức, song theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, sau khi Samsung đầu tư và đã chính thức khởi công dự án sản xuất đồ điện tử gia dụng, vốn đầu tư 1,4 tỷ USD tại đây, nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã bày tỏ sự quan tâm đối với dự án này. Nhiều nhà đầu tư thậm chí đã “đặt gạch” cho mục tiêu trở thành nhà cung cấp linh kiên, phụ kiện cho Samsung. Dự kiến, cuối năm nay, Samsung sẽ chính thức có cuộc tiếp xúc với các nhà sản xuất này để tìm kiếm nhà cung cấp cho khu tổ hợp tại TP.HCM.

Trên thực tế, kể từ sau khi Samsung, Microsoft, LG đầu tư lớn vào Việt Nam và đang tiếp tục thực hiện việc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, đã có hàng trăm dự án FDI của các nhà đầu tư vệ tinh dốc vốn vào Việt Nam. Hàng tỷ USD từ nước ngoài đã đổ vào các dự án này, góp phần tạo lập mạng lưới cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử Việt Nam.

“Ngoài chức năng làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và để các tập đoàn đa quốc gia thích ứng nhanh với thị trường nội địa, ngành công nghiệp hỗ trợ còn có vai trò rất lớn trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhấn mạnh như vậy và cho rằng, việc thu hút vốn FDI có hiệu quả không, nền kinh tế có thể hấp thu được các công nghệ, vốn nước ngoài mang vào hay không phụ thuộc lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

“Công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp tạo ra giá trị gia tăng trong nội tại nền kinh tế của mình. Nếu không làm được điều này, thì dù FDI có nhiều, giá trị gia tăng của Việt Nam vẫn hạn chế, nên cũng rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài”, ông Hoàng nói.

Nhìn trên góc độ này, trong khi chờ đợi các dự án FDI quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư, để “đổi chiều” dòng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm tới nay, thì các dự án FDI quy mô nhỏ cũng thực sự có ý nghĩa. Tất nhiên, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp nội địa, chứ không phải chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Hà Nguyễn - Báo Đầu tư