Thu hút đầu tư tư nhân để thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Để người nông dân chủ động hội nhập khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, cần sự đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế thu hút đầu tư tư nhân.
Ngày 12/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
Theo ông Jong Ha Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập đem lại nhiều cơ hội mới và những khó khăn, thách thức. Việt Nam là nước được hưởng lợi nhất so với 11 quốc gia tham gia TPP, tuy nhiên, lợi thế cao hơn đồng nghĩa là rủi ro từ bên ngoài cũng cao hơn. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất nước ngoài khi các hàng rào thuế quan và phi thuế quan được giảm bớt và loại bỏ…
Giải pháp ở đây là cần có chiến lược cụ thể ở các cấp độ để giúp nông dân chủ động đổi mới khi hội nhập như: Phân cấp, trao quyền cho các cấp chính quyền địa phương để giảm thiểu chi phí gián tiếp và tối đa hóa hiệu quả sản xuất; cải thiện quyền sử dụng đất và quản lý tài nguyên, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận; đào tạo nghề cho nông dân để nâng cao khả năng thích nghi khi tham gia TPP, giải quyết thách thức về đổi mới thể chế và chính sách cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi hội nhập.
“Cần thúc đẩy đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc thiết lập các cơ chế ưu tiên để thu hút khu vực tư nhân tham gia, cùng với đó là cải thiện phát triển về nguồn vốn, xã hội và con người tại khu vực nông thôn. Trong đó, tập trung vào việc tăng năng suất trong nông nghiệp và phi nông nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm và nâng cao sinh kế người nông dân”, ông Jong Ha Bae nhấn mạnh.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, cần nhìn nhận lại vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình của các tổ chức xã hội nghề nghiệp nông nghiệp như hợp tác xã, hiệp hội, theo đó xây dựng các tổ chức xã hội có đủ khả năng vừa bảo vệ quyền lợi của nông dân, vừa tham gia tư vấn quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Ông Lều Vũ Điều, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam cho biết trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung chỉ đạo các cấp Hội Nông dân phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, sở, ngành, các nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị và xây dựng “liên kết 4 nhà” nhằm nâng cao khả năng hội nhập của nông dân.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt