Thứ Hai, 11/09/2023 16:00:25 (GMT+7)

Tháng 8/2023, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt cột mốc mới

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 8/2023 đang gấp 1,7 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (11.769 doanh nghiệp).

Tháng 8/2023, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt cột mốc mới

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 8/2023 là 20.306 doanh nghiệp, tiếp tục đạt cột mốc mới. Trong đó, lần đầu tiên trong giai đoạn tháng 8 các năm, số doanh nghiệp thành lập mới vượt mốc 14.000, đạt 14.047 doanh nghiệp.

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng này đang gấp 1,7 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (11.769 doanh nghiệp).

Tổng hợp các số liệu với nhiều tín hiệu tích cực dần lên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, điều này đã phần nào thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với các chính sách phục hồi kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, như tăng tốc đầu tư công, giảm thuế VAT, thông qua Nghị quyết 98 cho TP.HCM… Thêm nữa, từ đầu quý III/2023, nhiều ngành hàng như dệt may, thủy sản, hồ tiêu, gỗ, da giày… đang ghi nhận đơn hàng quốc tế quay trở lại…

Tuy nhiên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vẫn nhìn thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn.

Quy mô vốn của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng giảm, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm 32,7% so với mức vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp thành lập mới năm 2021 và giảm 32,3% so với năm 2020.

Đáng chú ý khi một số ngành có mức vốn đăng ký mới giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 là: Vận tải kho bãi (giảm 54,06%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 53,48%); Kinh doanh bất động sản (giảm 48,8%)…

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2023 là 45.742 doanh nghiệp, giảm 5,0% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,4 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (31.929 doanh nghiệp). 

Đáng lưu ý, trong số các lĩnh vực ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm có cả dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.349 doanh nghiệp, giảm 15,0%); hoạt động dịch vụ khác (1.220 doanh nghiệp, giảm 12,9%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (362 doanh nghiệp, giảm 10,0%)… cũng như các lĩnh vực dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.436 doanh nghiệp, giảm 9,8%).

Kỳ vọng về sự quay trở lại nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp các ngành, dịch vụ vào kỳ nghỉ hè cũng như đón đầu chính sách visa mới đã chưa diễn ra.

Do vậy, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đề xuất, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.

Đặc biệttrong bối cảnh khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng, kiến nghị Chính phủ quan tâm, ưu tiên việc thực hiện chính sách tài khóa, nhất là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp.

“Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng và các chính sách giãn – hoàn thuế, phí, tiền thuê đất; xem xét giảm tỷ lệ đóng bảo hiếm xã hội cho doanh nghiệp”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nêu kiến nghị cụ thể… 

Theo Khánh Linh - Báo Đầu tư