Thứ Hai, 29/06/2015 8:59:23 (GMT+7)

Tăng trưởng GDP dựa vai công nghiệp và FDI

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 6,11%. Trong khi GDP 6 tháng nhận được sự hỗ trợ của ngành công nghiệp, của khối doanh nghiệp có vốn FDI thì đóng góp của khu vực nông nghiệp và doanh nghiệp trong nước lại khá mờ nhạt.

Tăng trưởng GDP dựa vai công nghiệp và FDI

cChỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2015 ước tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014 là chỉ dấu rõ nhất cho sự trở lại của sản xuất công nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Công nghiệp sáng rõ

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2015 ước tính tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014 được nhấn mạnh là chỉ dấu rõ nhất cho sự trở lại của sản xuất công nghiệp.

“Khi công bố số liệu quý I/2015, nhiều người nghi ngờ về sự đột biến trong tăng trưởng GDP. Nhưng với số liệu của quý II, sự tăng trưởng trong công nghiệp – xây dựng, đang chiếm khoảng 38% trong GDP, thì rõ ràng không có sự đột biến”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thể hiện quan điểm trong Hội nghị giao ban Tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) đồng tình và phân tích thêm: “Sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%, cao hơn mức 10,9% của cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10% trong khi 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 7,8%. Đây cũng là lý do điện phục vụ công nghiệp và xây dựng. Các chỉ số này khẳng định sự phục hồi rõ nét của công nghiệp”.

Cùng với đó, tốc độ tăng xuất khẩu trong 6 tháng qua của điện thoại và linh kiện (14,7 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ) dệt may (10,2 tỷ USD, tăng 9%), da giày (5,9 tỷ USD, tăng 21,9%), bà Hiền tin rằng, tình hình tiếp tục sáng trong 6 tháng cuối năm và IIP sẽ đạt kế hoạch 7,8-7,9%

Đặc biệt, so với cùng kỳ 2014, mức tăng của các loại vật liệu xây dựng như thép  thép thanh (8,8%), xi măng (10,5%)… được cho là cơ sở để khẳng định sự phục hồi của thị trường bất động sản.

“Tại Hà Nội, bức tranh công nghiệp và xây dựng cũng tương đồng với tình hình chung của cả nước. Xây dựng tăng tới 12,2% (so với 10% của cùng kỳ năm trước), kéo công nghiệp – xây dựng Hà Nội nửa năm tăng cao hơn. Vì công nghiệp Hà Nội 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,7%, nhưng cũng cao hơn mức 6,4% của cùng kỳ năm ngoái”, ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết.

Nông nghiệp hụt hơi

Với mức tăng 2,41% của 6 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang giữ kỷ lục… ngược, đó là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm vừa qua, với mức tăng lần lượt của các năm 2014; 2013 và 2012 là 3,4%; 2,53%; 2,81%.

Lý do là các ngành sản xuất nông nghiệp chỉ tăng 1,95% so với cùng kỳ, trong khi năm 2014 tăng 2,5%; thủy sản tăng 3,4% (cùng kỳ tăng 6%). Tuy nhiên, với mức tăng trong 6 tháng qua là 8,27%, vượt mức tăng 5,9% của cùng kỳ năm ngoái, lâm nghiệp đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho ngành nông nghiệp.

Theo phân tích của ông Vũ Đức Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngoài lý do thời vụ, thì hạn hán đang làm khó cho sản xuất nông nghiệp, kể cả trồng trọt và chăn nuôi.

“Hơn thế, xuất khẩu khó cũng khiến sản xuất nông nghiệp giảm vì đây là đầu ra chủ yếu cho sản phẩm nông nghiệp”, ông Hùng cho biết.

Theo thông tin Tổng cục Thống kê vừa công bố, bình quân 6 tháng đầu năm 2015, chỉ số giá xuất khẩu thủy sản giảm 0,29%, gạo giảm 1,32% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Thúy Hiền cũng đã tính toán, việc giảm giá và lượng của hai nhóm hàng là nông thủy sản và khoáng sản đã lấy của kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay khoảng 3,1-3,2 triệu USD.

Cũng phải nói thêm, trong sự hụt hơi này của nông nghiệp, có nguyên do từ việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả…

“Việc chuyển đổi này đang đẩy nhu cầu đầu tư tưới tiêu tăng mạnh vì trước đây hầu như không được đầu tư. Chúng tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ cho phép tăng vốn cho nông nghiệp trong kế hoạch trung hạn và kế hoạch 2016. Nếu chỉ tăng 10% so với năm ngoái thì không đủ”, ông Hùng đề xuất.

Ý kiến – Nhận định

Cần xây dựng giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Bà Lê Thị Công, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Trong những tháng còn lại của năm 2015 cần phải thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp mà Chính phủ ban hành trong các nghị quyết, trong đó cần tập trung vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là việc tiêu thụ sản phẩm.

Cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, bảo vệ doanh nghiệp là nhiệm vụ tiếp tục phải thực hiện liên tục trong nhiều năm nữa để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Ưu tiên nguồn lực phát triển Tây Bắc

Ông Nguyễn Cao Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đề nghị Chính phủ bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, bán hết phần vốn nhà nước, đặc biệt là một số công ty thủy điện lớn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn tái đầu tư. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục cho phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 – 2020, huy động nguồn lực đầu tư phát triển, đặt biệt dành cho các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên vùng Tây Bắc.

Cải thiện điều kiện cung cấp tín dụng

Ông Nguyễn Lâm Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mấy năm gần đây đã có sự cải thiện song vẫn vướng phải không ít trở ngại cản trở doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.

Cần phải có chính sách hữu hiệu mới có thể phát triển được số lượng, nâng được quy mô doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Những chính sách này cần sớm thực hiện vì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong 6 tháng đầu năm đã giảm so với các năm trước, trong khi Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập toàn diện với kinh tế thế giới với hàng loạt hiệp định thương mại song phương đa phương sắp có hiệu lực.

Theo Bảo Duy - Báo Đầu tư