Tâm thế để DN hội nhập: Biết chính xác, nghĩ chủ động, làm sáng tạo
Ngày 5/5, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do song phương (VKFTA). Tiếng chuông hội nhập thành công đầu tiên năm 2015 đã được gióng lên trong sự chờ mong của cộng đồng DN và cả nền kinh tế, báo hiệu sự bắt đầu của một giai đoạn hội nhập mới đầy mạnh mẽ.
Doanh nghiệp Việt Nam rất cần một tâm thế sẵn sàng để tận dụng tốt nhất thời cơ vàng này.
VKFTA – Khởi đầu nhiều hứa hẹn
Những thông tin đầu tiên về kết quả đàm phán VKFTA hứa hẹn đây sẽ là một Hiệp định mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Chẳng hạn về xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực nông, thủy sản xuất khẩu đang đứng trước cơ hội chưa bao giờ lớn tới vậy trong việc xuất khẩu vào Hàn Quốc những mặt hàng mà nước này vốn bảo hộ kỹ lưỡng bằng thuế quan; lời hứa giảm/loại bỏ thuế với những mặt hàng đang áp thuế tới 200-400% rõ ràng là vô cùng hấp dẫn.
Về đầu tư, những cam kết của Việt Nam trong tạo môi trường đầu tư tốt hơn, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc trong VKFTA được kỳ vọng sẽ là một cú hích thúc đẩy sự quan tâm của nhóm các nhà đầu tư vốn đang đứng ở vị trí dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam này.
Ngay cả ở những lĩnh vực được xem là thách thức như mở cửa thị trường Việt Nam thì dường như trong “nguy” (khó khăn) cũng đâu đó có dấu hiệu của “cơ” (thời cơ). Rất nhiều sản phẩm cắt giảm/loại bỏ thuế cũng là những sản phẩm mà nền kinh tế của chúng ta rất cần, như nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử… Đặc biệt với VKFTA chúng ta cũng bắt đầu mở cửa những mặt hàng vốn trước nay được bảo hộ kỹ lưỡng nhưng chưa hiệu quả và đang cần một cú hích cạnh tranh để thúc đẩy phát triển như ô tô, sắt thép.
Không chỉ là những cơ hội, thách thức truyền thống từ một Hiệp định thương mại tự do (FTA), với VKFTA chúng ta còn có nhiều lý do hơn để tin rằng những lợi ích từ VKFTA sẽ là rất lớn nếu biết rằng FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) là một trong các hiệp định mà Việt Nam tận dụng được lợi ích nhiều nhất thời gian qua.
Tâm thế cho một giai đoạn hội nhập mới
Sự kiện Việt Nam và Hàn Quốc ký Hiệp định thương mại tự do mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chờ mong tới 6 FTA dự kiến sẽ lần lượt hoàn tất trong thời gian tới. Trong số đó có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hai FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao nhất, với những đối tác thương mại quan trọng nhất mà Việt Nam từng đàm phán.
VKFTA được xem như sự khởi đầu đầy ý nghĩa để nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam bước vào một giai đoạn hội nhập mới, sâu hơn, thực chất và quyết liệt hơn.
Sự chờ mong, ngóng đợi ở những cam kết thương mại mới của cộng đồng doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Dù vậy, xét đến tận ngọn ngành, đâu đó vẫn có sự lo ngại, không chỉ bởi mọi cơ hội đều đi kèm thách thức, mà còn bởi trong cuộc chơi mới này, các doanh nghiệp của chúng ta dường như chưa thật sẵn sàng.
Chúng ta có lẽ không muốn tin rằng xấp xỉ 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã và đang bỏ lỡ cơ hội ưu đãi thuế quan mà các nhà đàm phán của Chính phủ phải chật vật mới mang được về sau các FTA. Chúng ta cũng không yên lòng khi thấy sản phẩm nhập khẩu bắt đầu lấn lướt trên các kệ hàng Việt, có mặt ở hầu khắp các chợ Việt…
Đã đến lúc doanh nghiệp cần một tâm thế mới cho cuộc hội nhập này, và cốt lõi của tâm thế đó có lẽ nằm ở 3 yếu tố: Biết chính xác, nghĩ chủ động, và làm sáng tạo.
Biết chính xác
Kể từ thời điểm gia nhập AFTA/CEPT, hiệp định đầu tiên của Việt Nam, đến nay đã vừa tròn hai thập kỷ. Trong 20 năm ấy, nền kinh tế tiếp tục đón nhận thêm 7 FTA khác, với tổng cộng 16 đối tác lớn nhỏ. Nhưng số các doanh nghiệp hiểu cụ thể về bản chất của mỗi FTA, biết chính xác các cam kết trong đó liên quan tới mình như thế nào thì có lẽ còn khá ít ỏi.
Theo điều tra mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành đầu năm 2014 với phản hồi từ 120 hiệp hội doanh nghiệp thì có tới 60% hiệp hội chưa từng tham vấn trong bất kỳ FTA nào.
Điều tra PCI mà VCCI vừa mới công bố tháng 3/2015 với phản hồi từ hơn 10.000 doanh nghiệp trong toàn quốc, mặc dù khoảng 70% doanh nghiệp có nghe nói tới TPP, nhưng số doanh nghiệp thực sự biết sâu về TPP là rất ít (chỉ khoảng 3-5% tùy ngành nghề).
Vì thế có những khi lo lắng của một số doanh nghiệp là thái quá. Lấy ví dụ ngay với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Không nhiều doanh nghiệp biết rằng những cam kết về thị trường hàng hóa tự do trong AEC thực chất là từ Hiệp định thương mại hàng hóa giữa các nước ASEAN (ATIGA), vốn đã thực hiện từng bước một trong nhiều năm nay chứ không phải sự mở cửa đột ngột gây sốc nào.
Ngược lại, có những bước đi hội nhập có thể ảnh hưởng sâu mà nhiều doanh nghiệp lại ơ hờ. Chẳng hạn, việc thị trường bán lẻ mở cửa hoàn toàn cho nhà đầu tư nước ngoài đã là câu chuyện của 5 năm trước, nhưng doanh nghiệp Việt lại chỉ mới xôn xao về nguy cơ mất kênh phân phối rất gần đây, khi các nhà bán lẻ nước ngoài chính thức sử dụng quyền gia nhập thị trường của mình.
Trong thời hiện đại, hội nhập sâu sắc, có lẽ “biết người biết ta” cũng chưa “chắc trăm trận trăm thắng”. Dù vậy, nếu “không biết người, không biết ta” thì khó có thể thắng trận nào. Hơn bao giờ hết, thông tin là sức mạnh và doanh nghiệp nào biết chính xác tức là đang làm chủ sức mạnh ấy.
Nghĩ chủ động
Hội nhập không phải là câu chuyện mới. Từ 20 năm nay, cùng với việc nền kinh tế ngày càng mở, ngày càng tự do hơn, các doanh nghiệp của chúng ta cũng đang hội nhập theo các cách thức khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Có những doanh nghiệp đã hội nhập một cách chủ động, với những tính toán đầy đủ cho từng bước đi, từng chiến lược kinh doanh của mình để chủ động đối phó với thách thức, chủ động giành cơ hội.
Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp hội nhập một cách hoàn toàn thụ động. Một điều tra xã hội học đã cho thấy các doanh nghiệp của chúng ta hội nhập theo kiểu điều chỉnh để thích nghi là chủ yếu mà không phải là chủ động chuẩn bị cho hội nhập. Điều này cũng được khẳng định khi chúng ta nhìn vào bức tranh chung của nền kinh tế: Trong tổng thể, hội nhập không trực tiếp “bóp chết” doanh nghiệp nào, cũng không đánh sập hay làm lụn bại hoàn toàn một ngành kinh doanh nào; nhưng cũng chưa có nhiều doanh nghiệp hay nhiều ngành bứt phá, ăn nên làm ra từ việc tận dụng triệt để những cơ hội của tự do hóa thương mại.
Nghĩ chủ động, vì vậy, có lẽ là điều kiện để hội nhập chủ động, và cũng từ đó mà doanh nghiệp có thể chủ động về tương lai, về cả những cơ hội, thách thức của chính mình.
Làm sáng tạo
Hội nhập ngày càng sâu đi cùng với cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Trong bối cảnh ấy, có những doanh nghiệp đã hiểu chính xác về thời cuộc hội nhập, đã suy nghĩ rất chủ động để nắm bắt cơ hội định đoạt tương lai kinh doanh của chính mình, nhưng rồi vẫn không thành công. Thành công lại thuộc về số ít những doanh nghiệp tìm ra được một cách làm sáng tạo, một lối đi khác, một phương pháp nổi bật để giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh đó.
Đã từ lâu sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh. Với một nền sản xuất chung, một thị trường chung như kỳ vọng trong AEC sắp tới, với một thị trường mở rộng cho các đối thủ cạnh tranh sừng sỏ tới từ Hoa Kỳ, EU… môi trường cạnh tranh mà doanh nghiệp ta phải sống trong đó, làm ăn và phát triển trong đó, đang và sẽ rộng lớn hơn nhiều lần, quyết liệt hơn bội phần so với trước đây. Sáng tạo, nắm bắt thị trường ngách, tận dụng triệt để lợi thế “sân nhà, người nhà” để cạnh tranh đang là bí quyết hội nhập của một số doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nhập đang là một dòng chảy lớn của đất nước và của nền kinh tế. Mong lắm các doanh nghiệp Việt trong giai đoạn hội nhập mới có thể vững vàng trên dòng chảy đó, cưỡi sóng tiên phong để vươn tới những mảnh đất màu mỡ của phồn vinh, thịnh vượng./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt