Sắp bãi bỏ hàng loạt thủ tục nộp thuế
Giảm thủ tục hành chính hỗ trợ cho doanh nghiệp đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Viêc rút ngắn thời gian kê khai nộp thuế, cắt giảm các thủ tục không cần thiết sẽ được thực hiện rốt ráo trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Đó cũng là thông điệp mà “tư lệnh” ngành Tài chính gửi tới cộng đồng doanh nghiệp.
Giảm 290 giờ kê khai nộp thuế
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, theo quy định hiện hành của pháp luật thuế, khi doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu phải thực hiện đăng ký và kê khai nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu, khi bán hàng ra thì doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và được trừ vào thuế giá trị gia tăng đã nộp vào ở khâu nhập khẩu, đồng thời nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thuộc thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Mỗi sắc thuế như thế có mục tiêu và yêu cầu khác nhau. Điều này rất phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.
Về thời gian đăng ký kê khai nộp thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn nói: “Trong thời gian qua chúng ta đã cải cách nhiều thủ tục hành chính về thuế nhằm giảm bớt thời gian kê khai, nộp thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì thời gian kê khai thuế của chúng ta còn quá cao.”
Bộ trưởng cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2008, thời gian kê khai nộp thuế của Việt Nam là 1.050 giờ, năm 2010 là 941 giờ và năm 2012 là 872 giờ. Tuy nhiên, Bộ trưởng lý giải thêm, ở đây bao gồm cả thời gian kê khai nộp bảo hiểm xã hội, cụ thể vào khoảng 335 giờ; như vậy, thời gian kê khai nộp thuế năm 2012 của Việt Nam theo đánh giá của WB là 537 giờ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tổ chức do WB chỉ định để đánh giá thời gian nộp thuế của Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội tư vấn thuế, rà soát và có các giải pháp, chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt số lần, thời gian kê khai và nộp thuế cho doanh nghiệp; đồng thời Bộ Tài chính cũng quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục thuế và hải quan.
Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp Chính phủ tháng Bảy vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh phát triển cho doanh nghiệp; trong đó tập trung mạnh mẽ vào nội dung cải cách thủ tục hành chính của thuế và hải quan.
“Thực hiện được giải pháp này, chúng ta sẽ giảm được khoảng 290 giờ kê khai nộp thuế trên tổng số 537 giờ theo tính toán của WB đã công bố năm 2012. Chúng tôi đang quyết liệt thực hiện 3 nhóm giải pháp chính là giảm số lần kê khai, nộp thuế; rà soát, bãi bỏ các thủ tục, tiêu chí rườm rà khi yêu cầu doanh nghiệp kê khai; các giải pháp rà soát về pháp luật,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Tư lệnh” ngành Tài chính nhìn nhận, thời gian qua ngành Thuế cũng như Bộ Tài chính đã rất nỗ lực cùng với cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như thủ tục rườm rà, những tồn tại từ nội tại của cơ quan Thuế như vẫn còn một số cán bộ thuế nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đang tiến hành một loạt các giải pháp như: đào tạo lại cán bộ, luân chuyển cán bộ… Rất nhiều giải pháp như vậy đang được thực hiện đồng bộ nhằm tạo môi trường cải cách thủ tục thuế, góp phần cải cách môi trường kinh doanh đầu tư.
Cùng với đơn giản hóa thủ tục nộp thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát để giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội, đảm bảo đến cuối năm 2014 sẽ giảm 1/3 số lần kê khai nộp bảo hiểm xã hội. Như vậy, sẽ giảm khoảng 50% số giờ thực hiện kê khai và nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Rút thời gian kê khai thuế xuống 5 lần
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, từ nay đến giữa tháng Chín năm nay, một loạt các thủ tục sẽ được giảm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quý 3.
“Cụ thể, các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính về rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế, trong mỗi thủ tục rà soát bãi bỏ các chỉ tiêu không cần thiết để giảm thời gian kê khai và nộp thuế cũng như giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, chúng tôi sẽ cố gắng từ nay đến 15/8 ra văn bản,” Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, thực hiện được các nội dung này sẽ giảm được 201 giờ. Như vậy, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi các chỉ tiêu kê khai thuế giá trị gia tăng giảm được khoảng 156 giờ; khắc phục sự khác biệt giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm được khoảng 35 giờ; khắc phục khác biệt giữa ghi nhận chi phí kế toán với chi phí tính thuế giảm được khoảng 10 giờ; đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử sẽ giảm được 23 giờ.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng đã ký và gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định Nghị định sửa một số Nghị định của Chính phủ mà theo đó sẽ giảm được khoảng 88 giờ kê khai nộp thuế. Đặc biệt, việc kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp trong năm theo quy định hiện nay là 17 lần sẽ chỉ còn 5 lần.
Giảm từ 0,3-34% giá sữa
Đánh giá về việc thực hiện chương trình bình ổn giá sữa, Bộ trưởng Đinh tiến Dũng khẳng định chương trình này về cơ bản bước đầu đã thành công. Cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính đã xác định và công bố giá bán buôn tối đa, tối thiểu, giá bán lẻ tối thiểu cho 503 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mức giá này so với trước khi thực hiện biện pháp bình ổn đã giảm bình quân từ 0,3-34%.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, trong quá trình thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính đã phát hiện 30 sản phẩm nghi vấn không phải là sữa và đề nghị Bộ Y tế giám định, xác nhận 30 sản phẩm này có phải sữa hay không. Đến nay Bộ Y tế đã trả lời trong 30 sản phẩm đó có 12 sản phẩm là sữa. Ngay lập tức, 12 sản phẩm này đã được Bộ Tài chính đưa vào quản lý theo chương trình bình ổn giá.
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng khẳng định, với chức năng của mình, Bộ Tài chính quản lý về bình ổn giá còn về chất lượng, tên gọi, chủng loại sản phẩm, thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong các vấn đề xác nhận chất lượng, tên gọi sản phẩm sữa, cùng nhau quản lý thị trường.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt