Sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong 3 năm
5 tháng đầu năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ 2 năm gần đây (cùng kỳ năm 2013 tăng 4,9%; cùng kỳ năm 2014 tăng 5,7%).
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trong các ngành công nghiệp thì ngành khai khoáng tăng 6,3%, đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%, đóng góp 7 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất xe có động cơ tăng 32%; dệt tăng 22,8%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,3%; sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 19,6%.
Trong 5 tháng đầu năm, một số sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại di động tăng 73,4%; ô tô các loại tăng 62,3% (trong đó xe tải tăng 87,5%; xe chở khách tăng 48,5%); ti vi các loại tăng 37,4%…
5 tháng đầu năm nay, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng vượt trội so với cùng kỳ, cụ thể như Thái Nguyên tăng 256,5%; Quảng Nam tăng 28,5%; Hải Phòng tăng 15,6%…
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2015 tăng 1% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là sản xuất xe có động cơ tăng 42,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 31,4%; sản xuất kim loại tăng 24%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 16%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,5%.
Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 6%; sản xuất trang phục tăng 5,8%…
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/5 tăng 11,5% so với cùng thời điểm năm 2014, thấp hơn mức tăng 12,6% của cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,2%; sản xuất trang phục tăng 3,8%… Nhưng bên cạnh đó vẫn có khá nhiều ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất đồ uống tăng 80,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 76,3%…
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5 tăng 7,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 10,6%.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt