Rất cần tháo gỡ khó khăn cho đầu tư vào nông nghiệp
Những vướng mắc về đất đai, cơ chế hỗ trợ phát triển DN trong quá trình hội nhập… là những vấn đề khiến DN băn khoăn khi đầu tư sản xuất các mặt hàng nông sản hiện nay.
Ngày 19/2, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia của nhiều DN lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các DN và chuyên gia kinh tế đã bày tỏ về những khó khăn đang gặp phải trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nhất là về cơ chế chính sách chưa thông thoáng, minh bạch.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho biết khó khăn trong đầu tư hiện nay do quỹ đất còn manh mún. Trước thực tế là nông trường khoán hết đất cho nông dân nên DN tham gia cũng không dễ, ông Nam nêu đề nghị có thể cho DN mua đất nông trường để hỗ trợ nông dân theo quy trình quản lý chung rồi mua lại sản phẩm với giá cao hơn bình thường…
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Nafood cho rằng các cơ chế đã ban hành là rất là quan trọng nhưng phải có giá trị thực tiễn. Ví dụ DN nông nghiệp đầu tư công nghệ cao được cái gì; làm thế nào để cả những DN nhỏ cũng tiếp cận dược ưu đãi về thuế đất…
Ông Hùng đề xuất: Bộ NN&PTNT nên quy hoạch những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh để tập trung đầu tư cho một số DN dẫn đầu; tập trung vào giải quyết dứt điểm khó khăn cho DN dẫn dắt; về chuỗi giá trị thì đề nghị quy hoạch định hướng cho địa phương không sản xuất tràn lan và nêu rõ quy hoạch trong các hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức ngay đầu năm.
Ví von “DN tư nhân Việt Nam đang hội nhập theo kiểu đi trên chiếc cầu khỉ chênh vênh nhưng mang trên vai gánh nặng về chi phí”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đề nghị phải rà soát chính sách, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên để tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, qua nghiên cứu của Nhóm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2035, đầu tư cho nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn, mang lại triển vọng cho nền kinh tế. Đối với nền nông nghiệp hiện nay cần đẩy mạnh thương mại hóa và hiện đại hóa với phương châm “ít hơn để nhiều hơn”, tức là giảm bớt số hộ sản xuất nhưng tăng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả. Đồng thời bớt đi vai trò can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý Nhà nước để DN và nông dân chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định Bộ NN&PTNT đã xác định DN đóng vai trò then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đất đai, vốn tín dụng, quản lý công nghệ…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt