Quý I: Sản xuất công nghiệp tăng 5,2%
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong quý I/2014 tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 4,9% cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong quý I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2% và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,7%, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,9%.
Chế biến, chế tạo chiếm ưu thế
Đóng góp vào mức tăng chung 5,2% của 3 tháng đầu năm 2014, ngành khai khoáng đóng góp -0,6 điểm %; ngành chế biến, chế tạo 5,1 điểm %; ngành sản xuất và phân phối điện 0,6 điểm % và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải 0,1 điểm %.
Tổng cục Thống kê cho rằng, việc giảm tốc là xu hướng cho tương lai, khi công nghiệp hướng dần sang lĩnh vực chế biến chế tạo, đảm bảo khai thác bền vững lâu dài nguồn tài nguyên.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của một số tỉnh, thành phố như sau: Hà Nội tăng 3,6%; TPHCM tăng 4,6%; Hải Phòng tăng 11,3%; Hải Dương tăng 6,4%; Hưng Yên tăng 6,7%; Bắc Ninh tăng 4,8%; Vĩnh Phúc tăng 0,2%; Quảng ninh giảm 3,5%; Đà Nẵng tăng 10,5%; Đồng Nai tăng 7,1%; Bình Dương tăng 6,5%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 1,7%; Cần thơ tăng 5%;…
Riêng trong tháng 3, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 năm 2014 dự kiến tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,8%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,7%, sản xuất và phân phối điện tăng 10,3% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,0%.
Những sản phẩm có tốc độ tăng 3 tháng cao so với cùng kỳ gồm: Giày, dép da tăng 32,8%; sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 28,2%; thép cán tăng 19%; vải dệt từ sợi thiên nhiên tăng 17,8%…
Chỉ số tiêu thụ tăng 4,3%
Theo Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng năm 2014 so cùng kỳ năm trước tăng 4,3%.
Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng đầu năm 2014 tăng cao như sản xuất thiết bị điện tăng 29,8%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 19,5%, sản xuất xe có động cơ tăng 16,6%…
Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp thời điểm 1/3 tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước (trong khi chỉ số tồn kho thời điểm 1/3/2013 tăng 16,5% so cùng thời điểm năm 2012). Trong đó, các ngành có tỷ lệ tồn kho thời điểm 1/3 cao, gồm: Sản xuất kim loại tăng 126,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 62,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 61,4%…
Tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo thời điểm 1/3 là 84,4%. Những ngành đang có tỷ lệ tồn kho cao gồm sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 181,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 152,9%…
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 1/3 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 1,8%; công nghiệp chế biến tăng 4,6%; sản xuất và phân phối điện và cung cấp nước, xử lý nước thải rác thải cùng tăng 2,9%.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp so với cùng thời điểm năm trước một số tỉnh, thành phố như sau: Hà Nội giảm 0,1%; TPHCM tăng 1,3%; Hải Phòng tăng 3,6%; Bắc Ninh tăng 18,5% (do công ty Sam sung electronic mở rộng sản xuất kinh doanh); Vĩnh Phúc tăng 4,9%; Hải Dương tăng 7,8%; Đà Nẵng tăng 5,3%; Đồng Nai tăng 2,9%; Bình Dương tăng 3,9%; Cần Thơ tăng 0,9%;…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt