Quy định mới về cơ cấu, tổ chức của Hải quan các tỉnh, thành phố
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 1919/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. So với quy định cũ, Quyết định mới này đã thay đổi khá nhiều về cơ cấu, tổ chức của các cục hải quan.
Quyết định 1919/QĐ-BTC quy định: Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức trực thuộc Tổng cục Hải quan, có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan trên địa bàn hoạt động của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật. Cục Hải quan có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Quy định rõ cơ cấu tổ chức, ở khối các đơn vị tham mưu giúp Cục trưởng Cục Hải quan, Quyết định 1919/QĐ-BTC nêu rõ: Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan Hải Phòng có 9 phòng, gồm: Phòng Giám sát quản lý về hải quan; Phòng Thuế xuất nhập khẩu; Phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm; Phòng Quản lý rủi ro; Phòng Thanh tra – kiểm tra; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Tài vụ – Quản trị; Văn phòng; Phòng Công nghệ thông tin.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng có 8 phòng, gồm: Phòng Giám sát quản lý về hải quan; Phòng Thuế xuất nhập khẩu; Phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm; Phòng Quản lý rủi ro; Phòng Tổ chức cán bộ – Thanh tra; Phòng Tài vụ – Quản trị; Văn phòng; Phòng Công nghệ thông tin.
Cục Hải quan các tỉnh: An Giang, Quảng Trị, Nghệ An, Lào Cai có 5 phòng (trước đây là 6 phòng), gồm: Phòng Nghiệp vụ; Phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm; Phòng Tổ chức cán bộ – Thanh tra; Phòng Tài vụ – Quản trị; Văn phòng.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Cao Bằng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Hà Tĩnh, Tây Ninh, rút gọn từ 5 phòng xuống 4 phòng, gồm: Phòng Nghiệp vụ; Phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm; Phòng Tổ chức cán bộ- Thanh tra; Văn phòng.
Riêng Cục Hải quan Thanh Hóa trước đây có 5 phòng, nay rút gọn còn 3 phòng: Phòng Nghiệp vụ; Phòng Tổ chức cán bộ – Thanh tra; Văn phòng.
Cũng chỉ còn lại 3 phòng thuộc Cục, tại Cục Hải quan tỉnh Bình Định, Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang sẽ chỉ còn có các phòng: Phòng Nghiệp vụ; Phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm; Văn phòng.
Các Cục Hải quan các tỉnh: Hà Giang, Quảng Ngãi; Quảng Bình, Điện Biên, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Gia Lai – Kon Tum, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Phước, Cà Mau, Hà Nam Ninh có 2 phòng, gồm: Phòng Nghiệp vụ; Văn phòng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định chức năng, nhiệm vụ của các Phòng thuộc Cục Hải quan.
Sắp sếp lại lực lượng KTSTQ và kiểm soát hải quan
Các Chi cục Hải quan, Chi cục kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Đội Kiểm soát Hải quan, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy trực thuộc các Cục Hải quan cũng có nhiều thay đổi so với trước.
Đối với các Chi cục KTSTQ, đáp ứng yêu cầu thực hiện quy định mới của Luật Hải quan 2014 vừa phù hợp với nội dung Đề án tăng cường năng lực kiểm tra sau thông quan đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Vì vậy, Quyết định 1919/QĐ-BTC quy định chỉ còn 21 Cục Hải quan có Chi cục KTSTQ bao gồm các Cục: Bà Rịa – Vũng Tàu; Bắc Ninh; Bình Dương; Bình Định; Cần Thơ; Đà Nẵng; Đồng Nai; Hà Tĩnh; Hà Nội; Hải Phòng; TP. Hồ Chí Minh; Lạng Sơn; Lào Cai; Long An; Nghệ An; Quảng Nam; Quảng Ninh; Quảng Ngãi; Quảng Trị; Tây Ninh; Thanh Hóa.
Quy định lại cơ cấu lực lượng chống buôn lậu, tại một số Cục Hải quan đã sát nhập Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm vào Đội Kiểm soát hải quan hoặc tại những địa phương không phải là địa bàn nóng về ma túy đã sát nhập Đội phòng chống ma túy vào Đội kiểm soát hải quan, theo đó có những đơn vị hải quan sẽ chỉ có một đầu mối kiểm soát nhằm tập trung, tạo thành một khối thống nhất tăng cường sức mạnh cho lực lượng kiểm soát hải quan.
Cụ thể, 22 Cục Hải quan chỉ còn đội kiểm soát là: Thừa Thiên Huế; Quảng Ngãi; Quảng Nam; Quảng Bình; Lào Cai; Lạng Sơn; Khánh Hòa; Hà Nam Ninh; Hải Phòng; Hà Giang; Gia Lai – Kon Tum; Đồng Tháp; Đồng Nai; Đắk Lắk; Cần Thơ; Cao Bằng; Cà Mau; Bình Phước; Bình Định; Bình Dương; Bắc Ninh; Bà Rịa – Vũng Tàu. Những Cục Hải quan còn lại vẫn giữ nguyên Đội Kiểm soát hải quan và Đội phòng chống ma túy.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/9/2016.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt