Quản lý chặt tài nguyên, đất đai phục vụ phát triển bền vững
(Chinhphu.vn) – Nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT thời gian tới là chú trọng xây dựng thể chế, giảm tối đa thủ tục hành chính, quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế khiếu kiện trong đất đai.
Đây là những vấn đề được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của Bộ TN&MT được tổ chức sáng 5/1 tại Hà Nội.
Quản lý đồng bộ theo lĩnh vực
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả trong công tác quản lý các lĩnh vực của ngành TN&MT năm vừa qua, đặc biệt là việc xây dựng thể chế với hệ thống văn bản luật, dưới luật; cải cách, giảm 30 thủ tục hành chính (TTHC), đạt chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tăng 6 bậc; quyết liệt giảm dần cơ chế “xin-cho”; công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai có những kết quả tích cực, giảm mạnh số thiệt hại về người và tài sản so với thời gian trước.
Tán thành với các ý kiến tham luận, các định hướng lớn mà ngành TN&MT đề cập trong hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phương hướng nhiệm vụ trong năm 2016 cũng như những năm tiếp theo của ngành.
Đó là tập trung tăng cường công tác xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ chế thông suốt trong những lĩnh vực quản lý, đặc biệt là về đất đai, tạo thuận lợi, hợp lý trong giải phóng mặt bằng, giảm khiếu kiện. Đơn cử như việc xem xét tổ chức thí điểm mô hình độc lập đứng giữa Nhà nước, nhà đầu tư với các chủ thể bị thu hồi đất.
Thứ hai, trong bối cảnh hội nhập, ngành cần tích cực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành TN&MT tập trung nguồn lực, rà soát, đôn đốc các dự án liên quan, trong đó chú ý bám sát bảo đảm thực thi mục tiêu của COP21 mà Thủ tướng Chính phủ tham dự với những cam kết mạnh mẽ, đóng góp quan trọng.
Ngành cũng cần tăng cường công tác điều tra cơ bản xác minh tài nguyên khoáng sản, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên để hiểu biết và xác định rõ về phục vụ chiến lược phát triển. Hiện chúng ta mới điều tra được bản đồ 1:50.000 đạt 60% trên đất liền; bản đồ 1:500.000 mới được 24,7% trên biển. Đồng thời, trong quyền hạn của mình, thực hiện siết chặt quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn nước với tư cách một quốc gia thiếu nước, nằm ở phía hạ lưu các con sông và phải sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua, Bộ cũng có công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Chú trọng công tác thanh kiểm tra, cải thiện môi trường sống, ban hành được hệ thống tiêu chuẩn môi trường và hệ thống quan trắc đánh giá đầy đủ, chính xác, phục vụ cho quá trình phát triển bền vững.
Bước tiến lớn trong năm 2015
Năm 2015 được coi là năm có những bước tiến lớn của ngành TN&MT trong hoàn thiện thể chế với việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật TNMT biển và hải đảo, Luật Khí tượng thủy văn; trình Chính phủ ban hành 9 nghị định, 7 quyết định, ban hành 75 thông tư và thông tư liên tịch; tập trung rà soát các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong lĩnh vực CCHC, ngành cũng tăng cường kiểm soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục, hoàn thành rà soát, chuẩn hóa tên TTHC thực hiện tại 4 cấp chính quyền và khu công nghiệp; ban hành bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC và kết quả chỉ số CCHC năm 2014 của Bộ được công bố đứng thứ 8/19, đạt 78,69%, tăng 6 bậc so với năm 2013.
Trong quản lý chuyên ngành, lĩnh vực đất đai đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn ngành thực hiện tốt việc tổ chức thi hành Luật Đất đai. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản được các địa phương triển khai thực hiện theo quy hoạch; sàng lọc được các nhà đầu tư có năng lực bảo đảm đưa đất vào sử dụng, không để đất đai lãng phí bỏ hoang.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, nâng kết quả cấp giấy lần đầu lên 94,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp; hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở 107 đơn vị cấp huyện.
Hoàn thành giai đoạn I dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Lĩnh vực tài nguyên nước có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn hằng năm trên các lưu vực sông quan trọng. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, quản lý các lưu vực sông; hợp tác bảo vệ các nguồn nước xuyên biên giới… Triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác với Ủy ban sông Mekong các quốc gia thành viên và Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Lĩnh vực địa chất và khoáng sản được quản lý chặt chẽ, tài nguyên khoáng sản đã được phát huy hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Tính đến hết tháng 11/2015, Bộ đã phê duyệt 41 báo cáo xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước với số tiền hơn 713 tỉ đồng; phê duyệt 165 báo cáo tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền 7.500 tỉ đồng.
Lĩnh vực môi trường đã triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm triệt để 392/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 11 làng nghề đã được khắc phục và cải thiện ô nhiễm; hoàn thành thu gom xử lý nước thải ở 02 lưu vực sông Nhuệ-Đáy và sông Đồng Nai.
Lĩnh vực biển và hải đảo, đã tập trung xây dựng, triển khai các văn bản, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo. Trình Quốc hội thông qua Luật TNMT biển và hải đảo; xây dựng các nghị định, quyết định quy định chi tiết thi hành Luật.
Ban hành Thông tư liên tịch với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển (Đề án 47).
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án Chính phủ giao, nhất là Đề án 47, Đề án hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt