Phục hồi tăng trưởng đi đôi với kiềm chế lạm phát
Sau nửa năm, lạm phát là 1,38%, bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại.
Tại Hội thảo “Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014” do Học viện Tài chính tổ chức ngày 30/6, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để phục hồi tăng trưởng kinh tế đi đôi với kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến cuối năm 2014, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: Theo dự báo, những tháng tới giá nhóm hàng thực phẩm tiếp tục tăng, khi chi phí đầu vào của các hộ chăn nuôi vẫn ở mức cao, việc tái đàn lợn, gia cầm chưa có dấu hiệu tích cực và nguy cơ dịch bệnh ở gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế và học phí giáo dục còn có thể diễn ra ở một số địa phương, cũng như việc điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý khác như điện, xăng, dầu,… cũng là những nguy cơ tăng giá tiềm ẩn trong thời gian tới.
Ông Long cho rằng, bức tranh kinh tế-xã hội 6 tháng đã có dấu hiệu phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bình ổn, tăng trưởng có nhích lên, tuy chuyển biến còn chậm và một số chỉ tiêu đạt chưa cao.
Dù kinh tế đã có biến chuyển nhưng chưa phải là đột phá. Chỉ số giá tiêu dùng qua 6 tháng đầu năm tăng tương đối ổn định, vì thế lạm phát năm 2014 hoàn toàn có thể kiểm soát được ở mức 5-6%.
Đại diện Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính nhận định: Sau nửa năm lạm phát mới chỉ là 1,38%, bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Nếu so với cùng kỳ năm 2013, CPI 6 tháng đầu năm 2014 là 4,98%.
Nhưng từ nay đến cuối năm 2014 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn phức tạp và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, nước, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí…).
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi những căng thẳng trên Biển Đông do việc hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc gây nên.
Còn TS.Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính nêu 3 kịch bản lạm phát giai đoạn 2014-2016 dựa trên các mô hình dự báo. Trong 3 kịch bản, lạm phát năm 2014 luôn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng đầu tư từ năm 2013. Ở kịch bản mức tăng đầu tư 2%/năm thì nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng giảm phát sau vài năm. Còn trong kịch bản mức tăng đầu tư cao, khoảng 6%, thì lạm phát tăng lên 5,78% (không quá 6%). Còn theo kịch bản mức tăng đầu tư trung bình, lạm phát giai đoạn 2014-2016 sẽ xoay quanh mức 4%.
Tuy nhiên theo ông Độ, tốc độ giảm của lạm phát có xu hướng chậm lại, nguyên nhân là do khu vực sản xuất đang phục hồi (chỉ số PMI đã ở mức trên 50 điểm trong nhiều tháng gần đây).
Dưới góc độ tiền tệ- ngân hàng, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ-NHNN khẳng định: NHNN cũng đã nỗ lực áp dụng các chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ông Hòe cho biết, NHNN cũng có các mô hình dự báo với kết quả lạm phát năm 2014 dao động quanh con số 5% (nếu không có tác động bất thường như Nhà nước cho phép điều chỉnh giá các mặt hàng như điện, xăng dầu).
Tuy nhiên, bày tỏ sự thận trọng với việc điều chỉnh giá chủ động, ông Hòe cho rằng, nếu nhìn vào lạm phát của Việt Nam còn một số vấn đề quan ngại. Các nhân tố cung cầu tác động vào chỉ số CPI không nhiều, nhưng các mặt hàng phụ thuộc vào điều hành giá của Nhà nước (như điện, xăng dầu…) có thể có tác động khó lường tới CPI nếu việc điều chỉnh không phù hợp, gây tâm lý kỳ vọng lạm phát đối với người dân. Tuy nhiên, vẫn cần phải kiên quyết thực hiện lộ trình thị trường hóa giá cả, trả giá cả cho thị trường quyết định.
Ngoài các giải pháp tăng cầu, cần tập trung vào các giải pháp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Về dài hạn cần phải giảm sự phụ thuộc của công nghiệp phụ trợ vào Trung Quốc, tăng cường các chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt