Thứ Ba, 23/09/2014 9:17:05 (GMT+7)

Phòng vệ thương mại: Cú huých từ ngành thép

Lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện và áp được thuế chống bán phá giá. Các doanh nghiệp Việt Nam cần biết, có tới ba công cụ chống gian lận thương mại.

Phòng vệ thương mại: Cú huých từ ngành thép

Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ 4 quốc gia/vùng lãnh thổ

Tại hội thảo về kết quả, bài học kinh nghiệm vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên của Việt Nam, bà Phạm Châu Giang – Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại thuộc Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương cho biết, mới đây, Bộ Công thương ra quyết định về việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ 4 quốc gia/vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Theo bà Giang, mức thuế thấp nhất là 3,07%, cao nhất là hơn 37%. Việc áp thuế có hiệu lực trong 5 năm, kể từ ngày 5/10 tới.

Trước đó, năm 2013, hai doanh nghiệp là Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh điều tra việc bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội trên trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp 4 quốc gia/vùng lãnh thổ trên.

Lần đầu tiên sau 9 năm Việt Nam có Pháp lệnh về chống bán phá giá, một vụ điều tra chống bán phá giá đối với một sản phẩm nhập khẩu được tiến hành, và ra được kết luận, dù từ phía doanh nghiệp vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về kết luận trên của cơ quan chức năng.

Từ thực tế vụ việc trong ngành thép, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp phòng vệ này để đối phó với những vụ việc tương tự và cho rất nhiều các sản phẩm, lĩnh vực khác, nhất là đối với các mặt hàng mà khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế.

Theo luật sư Phạm Lê Vinh – Công ty Luật ATIM, đơn vị tư vấn cho bên nguyên đơn trong vụ việc nói trên, đây là bài học tốt để các doanh nghiệp, các ngành hàng trong nước biết và sử dụng các công cụ hợp pháp trong cạnh tranh thương mại quốc tế.

Tới đây, thêm một loạt các FTA được ký, thị trường trở thành không biên giới. Theo ông Lê Sĩ Giảng – chuyên gia điều tra chống bán phá giá, doanh nghiệp cần nắm được ba công cụ chống gian lận thương mại là: Tự vệ, chống bán phá giá và trợ cấp, lần lượt cũng là trình tự về độ khó.

Bây giờ Việt Nam đã sử dụng được hai công cụ,  ông Lê Sĩ Giảng cho rằng các doanh nghiệp “phải nghĩ đến việc chuẩn bị để sử dụng được công cụ thứ ba”.

Cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt, các vụ kiện liên quan đến cạnh tranh thương mại sẽ ngày càng nhiều hơn, sẽ có tình huống 2 công cụ kia không có tác dụng và việc sử dụng công cụ thứ ba là cần thiết, ông Giảng cảnh báo.

Theo Báo Đầu tư