Phòng vệ tài chính dưới thời TPP
Trong kinh doanh có rất nhiều loại hình rủi ro khác nhau. Nhưng rủi ro tài chính có thể được xem là “ông trùm” của mọi rủi ro. Bởi mục đích của kinh doanh là tài chính và vì suy cho cùng, mọi rủi ro xảy ra đều dẫn đến thiệt hại về tài chính (trước mắt hay lâu dài) cho doanh nghiệp.
Có thể nhận diện rủi ro về tài chính thông qua một số tín hiệu như: rủi ro đầu tư và quản lý đầu tư khi doanh nghiệp đầu tư kém hiệu quả, gây thua lỗ; rủi ro hợp đồng xảy ra khi có sự thiếu chặt chẽ, gây bất lợi về mặt nghiệm thu, thanh toán hay thu tiền; rủi ro giao dịch khi có nhầm lẫn, sai sót trong giao dịch tài chính, gây thiệt hại; rủi ro lãi suất khi vay tiền với lãi suất thả nổi, tăng cao bất thường, công ty thiệt hại nhiều; rủi ro tỷ giá khi biến động tỷ giá USD/VND gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ hoặc mua hàng theo giá USD; rủi ro hoạch định tài chính xảy ra khi hoạch định dòng tiền sai; rủi ro chiến lược khi lựa chọn chiến lược đầu tư sai…
Trước khả năng gặp phải rủi ro, nhất là khi doanh nghiệp bước chân vào cuộc chơi hội nhập kinh tế quốc tế khốc liệt hơn, như Cộng đồng kinh tế Asean và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc tìm kiếm các giải pháp ngăn ngừa hay xử lý rủi ro là không thể thiếu với các doanh nghiệp.
Tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Nhận thấy khi TPP có hiệu lực, thủy sản sẽ là một trong những lĩnh vực được hưởng nhiều lợi thế của TPP. CEO bắt đầu nghiên cứu ngay các phương án để có thể nắm bắt thành công các cơ hội khi thị trường TTP rộng mở… Tuy nhiên, trong quá trình phân tích tìm hiểu, CEO nhận thấy một vấn đề nổi cộm là khả năng giải quyết rủi ro của doanh nghiệp còn hạn chế. CEO thấy rằng, song song với việc nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, doanh nghiệp còn cần có các giải pháp để dự phòng và hạn chế các rủi ro có thể gặp phải.
CEO đưa vấn đề này ra với các cổ đông (CEO là 1 trong 3 cổ đông của công ty) để cùng họ bàn luận tìm giải pháp. Tuy nhiên giữa họ đã nảy sinh những quan điểm trái chiều.
CEO cho rằng, doanh nghiệp cần dành sẵn một khoản tiền để dự phòng cho các vấn đề bất trắc có thể xảy đến như: dự phòng kiện cáo, các rủi ro tài chính, rủi ro kinh doanh… khi kinh doanh trong một thị trường hội nhập mạnh mẽ và cạnh tranh khốc liệt như TTP. Khoản tiền này có thể trích lập từ lợi nhuận hoặc lập mới thông qua các cổ đông.
Song các cổ đông còn lại cho rằng, nếu doanh nghiệp có các công cụ tài chính tốt, có khả năng dự đoán và quản trị tài chính chủ động thì khoản tiền này không cần phải có, còn để một khoản tiền nằm chờ như vậy sẽ khiến đồng tiền bị chết. “Công ty nên tính toán phương án khác. Thậm chí, chỉ cần thuê tư vấn về thiết lập trước các phương án ngăn ngừa rủi ro”, một cổ đông cho biết.
CEO tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng, doanh nghiệp cần tạo cho mình một điểm tựa vững chắc về tài chính. Nếu không đề phòng trước những biến động khó lường có thể xảy đến bất kỳ lúc nào trong thời kỳ hội nhập, khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp sẽ không thể xoay sở kịp và thiệt hại sẽ nặng nề.
CEO và các cổ đông sẽ tìm gia giải pháp cuối cùng nào cho doanh nghiệp của mình?
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng TIV.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt