Phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh trong 5 năm tới
Một trong các nhiệm vụ của cơ cấu lại nền kinh tế trong 5 năm tới là Nhà nước sẽ thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) trong nước.
Chiều 8/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với 407 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm tỉ lệ 82,39% tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Đánh giá về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn trước, Quốc hội đồng tình với nhận định của Chính phủ khi môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thuận lợi; cơ cấu lại nền kinh tế ở 3 lĩnh vực trọng tâm (DN Nhà nước, đầu tư công, ngân hàng thương mại) đã đạt được một số kết quả bước đầu; đạt được một số thay đổi về chuyển dịch tỉ trọng các ngành; cơ cấu lại nông nghiệp bước đầu đạt kết quả tích cực; cơ cấu lại công nghiệp và dịch vụ đã tạo ra được sự thay đổi tích cực trong cơ cấu nội bộ ngành theo hướng gia tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến và giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác.
Cơ cấu lại dịch vụ được triển khai tích cực theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế sâu rộng theo hướng tự do hơn, thuận lợi hơn, kinh tế thị trường hơn, từng bước đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm.
Mặc dù còn những hạn chế khi thực hiện, nhưng các đại biểu Quốc hội đã khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế trong nước đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới khi thảo luận về kế hoạch này.
Thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại ngành không cần chi phối
Tiếp tục triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới, Quốc hội đặt mục tiêu giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách Nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4). Tỉ trọng đầu tư Nhà nước khoảng 31-34% tổng đầu tư xã hội.
Hằng năm cả nước có 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Đến năm 2020, tỉ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25%, tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4.
Đến năm 2020, giảm tỉ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%. Giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường trái phiếu DN. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.
Thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các DN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu DN, 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế
Quốc hội cũng đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Thứ nhất là tập trung hoàn thành cơ cấu lại 3 trọng tâm, gồm cơ cấu lại đầu tư công, DN Nhà nước và các tổ chức tín dụng với thời hạn trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác.
Hai là, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, khu vực công, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia bằng việc thực hiện đúng Luật Ngân sách Nhà nước, các luật về thuế, phí và lệ phí. Thực hành tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, chỉ vay trong khả năng trả nợ; kiểm soát chặt khoản vay của chính quyền địa phương, DN Nhà nước. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện vượt bậc về chất lượng môi trường kinh doanh. Đổi mới căn bản cách thức quản lý và thái độ làm việc của công chức Nhà nước, phục vụ đi đôi với quản lý; minh bạch hóa quản lý Nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan Nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ.
Ba là, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng việc thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại để làm nòng cốt, mũi nhọn phát triển kinh tế, cùng với sự phát triển của các DNNVV, nâng cao sức cạnh tranh với DN nước ngoài. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, chú trọng thu hút các công ty đa quốc gia lớn, lan tỏa hiệu quả tới khu vực kinh tế trong nước và gắn với bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy sự gắn kết giữa DN trong nước với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV. Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư với từng dự án.
Bốn là, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm là, hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt