Thứ Bảy, 12/02/2022 15:52:47 (GMT+7)

Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”.

Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. Huy động nguồn lực xã hội từng bước phát triển hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững, đóng góp tích cực trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người thu nhập thấp, người yếu thế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Mục tiêu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, tư vấn, quản lý về kinh doanh bền vững.

Hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0-7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm.

Chương trình thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, áp dụng với đối tượng là các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững (doanh nghiệp kinh doanh bền vững); các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững; các Bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc, các tổ chức hiệp hội được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động của Chương trình.

Chương trình gồm 03 hoạt động chính. Thứ nhất, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững. Xây dựng tài liệu, tổ chức phổ biến thông tin, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững nghiên cứu, phát triển và áp dụng các giải pháp, công cụ nhằm đo lường, đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Doanh nghiệp được đánh giá và công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững được hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bao gồm cả hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài về áp dụng và phát triển mô hình kinh doanh bền vững; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư, hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp.

Thứ ba, hoạt động quản lý của Chương trình. Xây dựng tài liệu hướng dẫn, quy trình triển khai Chương trình; xây dựng khung đánh giá, giám sát Chương trình. Tổ chức đánh giá và định kỳ hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, hoạt động của Chương trình trong trường hợp cần thiết.

Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm kinh phí đóng góp, tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia Chương trình, các quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài để thực hiện Chương trình và kinh phí ngân sách nhà nước trung ương và địa phương. Ngân sách Trung ương bố trí cho các hoạt động của Chương trình do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện. Ngân sách địa phương bố trí cho các hoạt động của Chương trình do địa phương thực hiện.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo khả thi và hiệu quả, trong đó hướng dẫn về nguyên tắc đo lường, đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững; tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng kết quả của tổ chức đo lường đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Hướng dẫn xây dựng, tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai Chương trình hàng năm và giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi cả nước; thông báo kế hoạch thực hiện Chương trình theo dự toán được cấp thẩm quyền phê duyêt hàng năm để thực hiện Chương trình.

Triển khai hoạt động quy định tại khoản 3 mục II của Chương trình và tổ chức triển khai Chương trình trong phạm vi, lĩnh vực quản lý. Các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia triển khai các hoạt động cụ thể hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh bền vững trong phạm vi các hoạt động của Chương trình.

Doanh nghiệp kinh doanh bền vững cung cấp thông tin, tài liệu về doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp./.

Nguồn: mpi.gov.vn