‘Phân luồng xanh – đỏ – vàng’ để giám sát doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khẳng định, Nhà nước chỉ là một bên trong hoạt động giám sát doanh nghiệp khi trao đổi về Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành.
Có điều gì cần nhấn mạnh khi bàn về Nghị định 96/2015/NĐ-CP, thưa ông?
Đây là nghị định đầu tiên thực hiện đúng theo nguyên tắc chỉ hướng dẫn những gì luật giao; tránh tiền lệ luật khung, luật ống, phụ thuộc vào nghị định.
Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 4 điều của Luật Doanh nghiệp là Điều 10 (Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội); Điều 44 (Con dấu của doanh nghiệp); các khoản 3 và 4, Điều 189 (Công ty mẹ, công ty con) và Điều 208 (Trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước). Các điều khác hàm ý là thực hiện trực tiếp.
Trong số các điều khoản đó, việc hướng dẫn đối với doanh nghiệp xã hội đang rất được chờ đợi, bởi các doanh nghiệp này đã chờ từ rất lâu để được biết rõ họ có quyền làm gì, thưa ông?
Khái niệm doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam vẫn còn khá mới, nên mọi quy định đều dựa trên những tác động mang tính dự báo.
Khi soạn thảo, chúng tôi lo nhất là, quy định này có đạt được mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội hay không, hay làm khó doanh nghiệp khi họ vẫn đang hoạt động.
Nghị định 96/2015/NĐ-CP đã quy định rõ trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động doanh nghiệp xã hội. So với doanh nghiệp thông thường (mục tiêu vì lợi nhuận), thì đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội có một số khác biệt, như có thể bổ sung thêm cụm từ “xã hội” vào trước tên riêng hoặc sau tên loại hình doanh nghiệp trong tên doanh nghiệp. Đây là một hình thức ghi nhận chính danh cho các doanh nghiệp này. Mục tiêu hoạt động của họ rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Về các chính sách ưu đãi khác, doanh nghiệp xã hội được hưởng như các doanh nghiệp khác. Nhưng với sự thừa nhận chính danh, doanh nghiệp xã hội có thể hưởng lợi ích từ xu hướng tiêu dùng mới, hướng tới các doanh nghiệp xã hội.
Nội dung về con dấu có gì cần quan tâm, thưa ông?
Nghị định này làm rõ, quy định về dấu chỉ áp dụng với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Nghĩa là, các doanh nghiệp khác, gồm công ty chứng khoán (đăng ký thành lập theo Luật Chứng khoán), văn phòng luật sư (theo Luật Luật sư), doanh nghiệp bảo hiểm (đăng ký theo Luật Kinh doanh bảo hiểm), hợp tác xã (Luật Hợp tác xã), văn phòng giám định tư pháp (Luật Giám định tư pháp), công chứng (Luật Công chứng) thực hiện theo các quy định về quản lý và sử dụng con dấu hiện hành.
Quy định như vậy sẽ chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp nêu trên đang bị dừng cấp dấu?
Đúng vậy. Cơ quan công an sẽ tiếp tục cấp và quản lý dấu cho các doanh nghiệp này theo quy định hiện hành là Nghị định 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu.
Còn các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp nếu đang sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp trước ngày 1/7/2015 thì vẫn sử dụng bình thường và có thể quyết định làm thêm số lượng con dấu.
Vậy còn nội dung quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong Nghị định 96/2015/NĐ-CP có gì mới, thưa ông?
Lần đầu tiên, nghị định này xác định rõ mục tiêu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp là hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật…
Như vậy, Nhà nước chỉ là một bên, chứ không phải là cơ quan duy nhất trong việc theo dõi và giám sát doanh nghiệp. Các bên có liên quan như chủ nợ, đối tác, khách hàng, các cổ đông, những người quản lý… cũng có trách nhiệm giám sát doanh nghiệp đó.
Nguyên tắc chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm được áp dụng triệt để, nên không tồn tại khái niệm quản lý nhà nước chung chung, mà là công tác theo dõi, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp.
Để làm được điều đó, Nhà nước phải làm gì?
Trước đây, quản lý nhà nước theo hình thức khá thụ động, khi doanh nghiệp có vấn đề gì mới bắt đầu nghĩ cách quản lý. Nghị định này yêu cầu UBND cấp tỉnh phải xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát doanh nghiệp một cách chủ động và trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro.
Như vậy, sẽ phải phân luồng doanh nghiệp theo các hành vi rủi ro cần kiểm soát để có cơ chế kiểm soát, giám sát. Có thể lấy mô hình phân luồng doanh nghiệp xanh -vàng – đỏ mà cơ quan hải quan đã làm rất tốt làm ví dụ.
Điều quan trọng là, các địa phương phải xác định đâu là các hành vi cần quan tâm, từ đó xác định cơ chế giám sát và phương án xử lý…
Quy định rất mới và rất khó để làm, thưa ông?
Sẽ có sự thay đổi rất lớn trong tư duy quản lý nhà nước, nhưng phải làm thì tinh thần mới của Luật Doanh nghiệp mới thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt