Phải xác định rõ tiêu chí, lĩnh vực, địa bàn đầu tư
Thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng 13/6, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh phải có những quyết sách thay đổi đột phá hơn để thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng việc cấp giấy chứng nhận đầu tư mới chỉ là khâu đầu tiên. Điều nhà đầu tư quan tâm là bên cạnh thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì các thủ tục liên quan như: Đất đai, lao động, môi trường… cũng cần được sửa đổi. Tuy nhiên, những nội dung này chưa được thể hiện trong dự thảo. Bên cạnh đó, nhiều đối tác nước ngoài thường muốn chính sách ưu đãi phải được thể hiện cụ thể trong giấy phép đầu tư.
Cho rằng quy định ưu đãi đầu tư chưa thực sự phù hợp, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) lưu ý nội dung nhà đầu tư được đầu tư những ngành nghề không bị cấm, nhưng cơ quan Nhà nước lại rất khó xác định những ngành nghề mà chưa có quy định. Do vậy, Ban soạn thảo cần làm rõ chính sách, thủ tục đối với những ngành nghề mà Việt Nam chưa cam kết với WTO.
Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị cần xác xác định rõ tiêu chí, lĩnh vực, địa bàn đầu tư cụ thể, chặt chẽ, căn cứ vào đó xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ và đó là cơ sở để Chính phủ ban hành danh mục cụ thể.
Ông Đỗ Văn Đương cho rằng, thực tế hiện nay nhà đầu tư than phiền là thủ tục của chúng ta còn rườm rà. Vì thế cần giảm bớt thủ tục, giấy phép con liên quan đến đầu tư. Tuy nhiên việc này vẫn phải quy định chặt chẽ để tránh tình trạng cấp đất rồi lại bị bỏ hoang.
Đa số các đại biểu thống nhất việc sửa đổi Luật Đầu tư là nhằm thu hút đầu tư, lao động cũng như công nghệ. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo lưu ý, Hiến pháp vừa có hiệu lực, quy định quyền của công dân được kinh doanh những điều mà pháp luật không cấm. Do vậy Luật cần phải thể chế hóa được những quy định của Hiến pháp và thể hiện được sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư, các loại hình doanh nghiệp.
Về nguyên tắc trưng mua, trưng dụng của nhà đầu tư gây ảnh hưởng bất lợi cho nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư rất lo lắng, vì thế, các đại biểu cho rằng trong Luật cũng phải thể hiện được nguyên tắc này.
Cũng theo nhiều đại biểu, cần có chế tài với việc đầu tư không đúng mục đích, đầu tư kém hiệu quả khi sử dụng vốn Nhà nước, kể cả với cơ quan thẩm định và cơ quan tổ chức thực hiện.
Trong việc hỗ trợ đầu tư, Luật cần nêu rõ là đối tượng nào được hưởng chế độ ưu đãi, tránh để chính sách này bị lợi dụng vì dễ tạo nên cơ chế xin -cho, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức cá nhân đầu tư vào Việt Nam hay tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt