Nông nghiệp Việt Nam không thể mãi “nhỏ và đẹp”
Tại Hội thảo phát triển mô hình nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, Việt Nam không thể nói mãi với thế giới rằng, nông nghiệp Việt Nam tuy nhỏ nhưng đẹp. Điều cấp bách hiện nay là tái cơ cấu nông nghiệp phải trở thành cuộc cách mạng.
Ngày 15/5/2014, Báo Nhân Dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ATE) tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”.
Sự có mặt của hai thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cùng hàng loạt chuyên gia, ngân hàng, doanh nghiệp nông nghiệp cho thấy sự quyết tâm cũng như sự cấp bách của việc phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, trước đây, Việt Nam luôn nói với thế giới rằng nông nghiệp Việt Nam tuy nhỏ nhưng đẹp. Thế nhưng, mô hình “nhỏ và đẹp” này đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhất là trong ứng dụng kỹ thuật và phát triển hàng hóa quy mô lớn. Do đó, tái cơ cấu không phải là sự điều chỉnh nhỏ mà là một cuộc cách mạng.
“Tôi đã nói với Thống đốc, tái cơ cấu không phải là thay đổi giải pháp kỹ thuật mà rất cần sự hỗ trợ trong chính sách tiền tệ, tài chính, thương mại, đất đai, lao động. Những chính sách đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thể tự mình làm được mà cần sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ ngành. Ngay cả khi chúng ta có chính sách tốt, chính sách đó phải thấm sâu 15 triệu hộ nông dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Thái Nguyên… và bước đầu đã được thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình này cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về tiếp cận vốn.
Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các mô hình này phát triển.
Mục tiêu của chương trình tín dụng thí điểm này nhằm từng bước đưa nền nông nghiệp với quy mô nhỏ bé, manh mún và thiếu liên kết đang sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa, sản xuất lớn và phát triển bền vững. Chương trình thí điểm một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong trong sứ mệnh này, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và nông dân thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia vào các mô hình này.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết này hướng vào 2 nội dung.
Thứ nhất, làm giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường).
Thứ hai, tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp, nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kết.
Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nông nghiệp có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp để hỗ trợ các hộ nông dân, chẳng hạn cho vay doanh nghiệp để mua giống, vật tư nông nghiệp để tạm ứng cho nông dân để sản xuất;
Thứ hai, việc cho vay tập trung vào liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân từ đó kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trong chuỗi liên kết. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng xem xét cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp;
Thứ ba, chương trình có những hỗ trợ nhất định đối với các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm, cả về nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay, tài sản đảm bảo so với điều kiện chung của thị trường;
Với chương trình thí điểm này, ngành Ngân hàng không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, theo mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ và các tổ chức tín dụng đã đi khảo sát các mô hình. Thời gian tới, dự kiến NHNN và các bộ ngành lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… để thí điểm chương trình tín dụng này.
Sau khi kết thúc chương trình thí điểm (khoảng 2 năm), Ngân hàng Nhà nước tổng kết thí điểm và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt