Những thành công trong cải cách môi trường đầu tư
Những thành công nổi bật về môi trường đầu tư tại Việt Nam được thể hiện tập trung và đậm nét ở sự phát triển ngày càng đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng giao thông vận tải; sự nhất quán một luật đầu tư áp dụng chung cho các loại hình DN và những ưu đãi đầu tư không phân biệt theo thành phần kinh tế…
Nhiều căn cứ thực tế cho thấy, các DN Việt Nam đã, đang và sẽ có điều kiện sản xuất kinh doanh ngày càng tốt hơn, cả về nhu cầu thị trường trong nước, nhu cầu thị trường quốc tế, cơ hội tiếp cận vốn vay, lao động, thông tin thị trường và công nghệ, điều kiện hạ tầng giao thông và mặt bằng kinh doanh.
Gỡ nhiều gánh nặng, xóa nhiều rào cản
Đặc biệt, những hỗ trợ giảm thiểu cùng lúc cả 3 gánh nặng tài chính, tín dụng và thể chế cho DN ngày càng tốt hơn.
Thời gian gần đây ghi nhận những đổi mới tích cực, mạnh mẽ hơn.
Chính phủ ngày càng chủ động và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường phối hợp, cả trong xây dựng, triển khai thực hiện và tiếp tục quá trình hoàn thiện chính sách (chẳng hạn, ngày 1/10/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 91/2014/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại 4 Nghị định về thuế…).
Trước sự “thúc ép” của Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã chủ động lắng nghe thông tin phản hồi và hành động, tiếp thu phản ánh, kiến nghị của DN, người dân để chỉnh sửa, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc và bất cập chính sách.
Cụ thể: Bộ Tài chính thực hiện mạnh việc cải cách hành chính, sửa đổi các chính sách thuế, hải quan (Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa 7 Thông tư để cải cách, đơn giản các thủ tục về thuế; một số dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Hải quan sửa đổi…). Các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực rà soát, rút ngắn danh mục “giấy phép con” để tạo môi trường pháp lý, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng. Bộ Giao thông vận tải có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt cải cách ngành đường sắt, đường bộ, hàng không đã đem lại sự hưởng ứng, đồng thuận của xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ tạm dừng thực hiện Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhận được sự đánh giá cao của DN…
Ở cấp độ địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã định nếp thường kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các DN, với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh. Năm 2014 đã có trên 200 đề xuất, kiến nghị của DN được các ngành, đơn vị của tỉnh tiếp nhận và giải quyết thông qua đối thoại.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” năm 2014 đã tiếp nhận hàng ngàn ý kiến, góp phần cho cơ quan thuế tìm hướng giảm nhẹ “gánh nặng” thủ tục cho người nộp thuế.
Ngoài ra, hầu hết các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều đã và đang duy trì hiệu quả các đường dây nóng, tăng cường liên lạc trực tiếp giữa các chủ thể và đối tượng quản lý, giữa Nhà nước với người dân và DN để có sự điều chỉnh chính sách hay có thông tin định hướng phù hợp, kịp thời trong các lĩnh vực phụ trách của mình.
Tinh thần đối thoại, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và đồng hành với DN được thiết lập, khẳng định và tô đậm hơn khi ở cấp cao nhất với kênh đối thoại chính thức giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng DN tại Việt Nam, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ ngày 2/12/2014, ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, thiết thực của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn thường xuyên nhận được góp ý của các tập đoàn, DN, tổ chức quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải cách.
Thủ tướng khẳng định đây là cơ sở để Nhà nước chủ động tiếp thu hợp lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát với thực tế hơn, tạo mọi thuận lợi để cộng đồng DN và nền kinh tế phát triển hiệu quả, bền vững hơn.
Kết quả xây đắp niềm tin
CPI thấp và những nhân tố nói trên góp phần cải thiện môi trường đầu tư và mức tín nhiệm của Việt Nam thời gian gần đây, được thể hiện qua sự cải thiện xếp hạng các chỉ số “BCI – Chỉ số niềm tin kinh doanh” của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), “Chỉ số tín nhiệm quốc gia” của tổ chức Moody’s (từ B2 lên B1, mức triển vọng và tích cực) và “Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam” của Ngân hàng ANZ ở Việt Nam và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch…
Bên cạnh đó, căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO, ngày 10/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết nói trên.
Trên cơ sở đó, ngày 22/8/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1962/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP, trong đó xác định rõ việc xây dựng “Quy trình tham vấn các doanh nghiệp theo nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong việc xây dựng chính sách, pháp luật” trong thời gian tới (dự kiến năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).
Đây là những việc làm đúng đắn và là tín hiệu đáng mừng cho DN và người dân. Điều này còn cho thấy cách nghĩ, cách làm mới có trách nhiệm và hiệu quả hơn của các cơ quan công quyền, tăng khả năng phản ứng thị trường và cả phản ứng chính sách, sự điều hành tích cực, quyết liệt của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước.
Tinh thần đổi mới trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm, thái độ và hành động thực sự cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, tích cực phản hồi kịp thời vì cộng đồng DN và người dân của các cơ quan công quyền sẽ tạo động lực mới, góp phần bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ trong năm 2015 và thời kỳ tiếp theo…
Công cuộc đổi mới đang hướng về việc tạo lập và củng cố động lực niềm tin đầu tư, niềm tin tiêu dùng cho cả DN và người dân. Niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng, niềm tin thị trường và tín nhiệm quốc gia chính là lòng tin vào tương lai, vào năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước. Điều đó không thể xuất hiện bất ngờ và càng không thể mua được bằng tiền. Lòng tin cộng đồng là kết quả tổng hợp, tích tụ những nỗ lực lâu dài của Nhà nước trong đề cao trách nhiệm, khả năng lắng nghe, tiếp thu, hành động tích cực, cải thiện các quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế, khát khao hòa bình, cùng cố quan hệ đối thoại cả đối nội và đối ngoại…
Lòng tin ấy sẽ được tiếp tục củng cố trong thời gian tới cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt