Thứ Ba, 21/04/2015 8:59:28 (GMT+7)

Những điều kiện kinh doanh áp dụng riêng với doanh nghiệp FDI

Danh mục Điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến công luận.

Những điều kiện kinh doanh áp dụng riêng với doanh nghiệp FDI

Nhiều điều kiện kinh doanh sẽ được áp dụng riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh

Ngoài các điều kiện “dùng chung”, một loạt điều kiện kinh doanh được áp dụng riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đưa ra lấy ý kiến công luận. Việc có các điều kiện đầu tư kinh doanh riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, là vì trước khi thành lập tổ chức kinh tế hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài còn phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và muốn vậy, họ sẽ phải đáp ứng một loạt điều kiện khác, ví dụ tỷ lệ vốn góp, hình thức đầu tư…

“Đây là yêu cầu hết sức cần thiết, không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, mà còn góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư kinh doanh”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nói và cho biết, cũng chính vì vậy, ngoài việc soạn thảo một chương riêng quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh, trong đó quy định cả về hình thức, phương thức và thủ tục áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài khi hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời đã rà soát, tập hợp sơ bộ Danh mục Điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Cụ thể, trong danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư, có 72 ngành, nghề pháp luật Việt Nam đã quy định về điều kiện đầu tư và kinh doanh; 46 ngành nghề điều ước quốc tế đã quy định điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; 21 ngành nghề chưa quy định cả điều kiện đầu tư và điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, qua rà soát cho thấy, có 35 ngành, nghề trong điều ước quốc tế quy định hạn chế mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng pháp luật Việt Nam lại không hạn chế.

Bởi thế, rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh danh mục này. Chẳng hạn, hàng loạt điều kiện về kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm đã được dựng lên, như doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài muốn lập chi nhánh ở Việt Nam phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ USD, đang hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ ít nhất 10 năm…, nhưng các điều kiện này chưa được rà soát theo các cam kết với các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Liệu có cần phải điều chỉnh không, cần thêm điều kiện nào không trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài?

Hay như với 21 ngành nghề mà hiện tại chưa có quy định về điều kiện đầu tư và kinh doanh, thì cần phải quy định như thế nào trong thời gian tới? Trong số này, với ngành nghề kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, theo cam kết WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài, bệnh viện liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu USD, bệnh xá đa khoa (policlinic) là 2 triệu USD. Nhưng hiện tại, Việt Nam lại chưa có các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này.

Tương tự, ngay cả kinh doanh casino cũng đang thuộc danh mục 128 ngành, nghề chưa quy định điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, vậy thì nhà đầu tư nước ngoài có phải đáp ứng điều kiện gì không khi cấp giấy chứng nhận đầu tư? Hiện Dự thảo Nghị định về kinh doanh casino vẫn đang trong quá trình soạn thảo.

Rà soát và lên danh mục các điều kiện kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng các bộ, ngành, các doanh nghiệp sớm có ý kiến góp ý và gửi về Bộ trước ngày 21/4/2015. Đây là một trong những điều kiện cơ bản để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể sớm hoàn thành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, trước khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2015.

Thời gian còn lại chỉ là hơn 2 tháng, theo Ban Soạn thảo là rất gấp rút để làm sao “khai tử” được các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, hay ban hành trái thẩm quyền, đồng thời sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh cần thiết để vừa đảm bảo sự thông thoáng và quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư, nhưng cũng đảm bảo sự quản lý và giám sát chặt chẽ đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, ngay từ tháng 1/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, thống kê các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia từ để lấy ý kiến doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, mới chỉ có 18 trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp và 3 bộ, ngành có ý kiến. Sự thờ ơ của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh khiến ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc thực thi đúng, đầy đủ Luật Đầu tư “sẽ là thách thức lớn”.

Sốt ruột trước sự thờ ơ của các bộ, ngành, các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải có văn bản gửi Chính phủ và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, có ý kiến đối với danh mục các ngành nghề kinh doanh, đầu tư có điều kiện…, đảm bảo việc thực thi Luật Đầu tư từ ngày 1/7/2015.

Theo Hà Nguyễn - Báo Đầu tư