Nhộn nhịp đầu tư vào công nghiệp điện tử
Từ đầu tháng 6, ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam chứng kiến việc có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam.
Mới nhất, ngày 11/6/2014, Công ty Công nghệ toàn cầu Laird (Anh) đã chính thức khánh thành nhà máy đầu tiên của mình ở Việt Nam. Nhà máy này đặt tại Bắc Ninh – nơi đang dần trở thành “thủ phủ” của ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam, với hàng loạt nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) quy mô lớn của Samsung và Nokia.
Nhà máy ở Bắc Ninh của Laird chính là sự bổ sung cho trung tâm thiết kế mới của Laird và Công ty Chế tạo khuôn mẫu Model Solution mà Laird mới mua tại Seoul (Hàn Quốc), cũng như các nhà máy khác tại Trung Quốc, Malaysia. Hiện tại, Laird có 14 nhà máy ở châu Á, chuyên thực hiện việc nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế và chế tạo sản phẩm.
Sức hấp dẫn của công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay chính là các nhà máy sản xuất ĐTDĐ quy mô lớn, trong đó Samsung là lớn nhất (với 2 nhà máy 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và 2 tỷ USD ở Thái Nguyên).
Đầu tháng 6, UBND TP HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử tại khu Công nghệ cao của Thành phố. Đây là nhà máy thứ ba của Samsung đầu tư tại Việt Namvới tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.
Theo tin từ Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), trong số 60 nhà cung ứng linh kiện hiện tại cho SEV, thì có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc, 5 của Việt Nam và 10 là từ các quốc gia khác. Và không chỉ tập trung ở Bắc Ninh (28 nhà cung cấp), các nhà đầu tư còn tìm đến Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… để xây dựng nhà máy của mình. Sau khi nhà máy ở Thái Nguyên của Samsung đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vệ tinh cũng đã tìm đến tỉnh này. Hàng trăm triệu USD đã được các nhà sản xuất linh kiện điện tử đầu tư ở Thái Nguyên.
Cùng với đó, Hải Phòng cũng đang trở thành điểm đến của các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Ngày 6/6 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã cấp chứng nhận đầu tư cho CTCP 4P Electronics, do 3 nhà đầu tư (gồm Công ty TNHH 4P, 1 nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam và 1 nhà đầu tư quốc tịch Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án có vốn đầu tư 600 tỷ đồng này dự kiến sẽ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, bán thành phẩm, bảng mạch điện tử… cho các thiết bị điện tử, viễn thông và tin học.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt