Thứ Năm, 30/01/2014 14:12:28 (GMT+7)

Nhìn nhận 22 mặt hàng đạt kim ngạch tỷ USD

Trong các yếu tố tác động đến kim ngạch xuất khẩu (mặt hàng, địa bàn, giá cả, thị trường…) thì mặt hàng có vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đó là nguồn “bột” để “gột nên hồ”.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, năm 2013 có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Các mặt hàng đạt 1 tỷ USD trở lên (tỷ USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tổng kim ngạch xuất khẩu của 22 mặt hàng trên đạt 112,85 tỷ USD, chiếm trên 85,4% tổng kim ngạch của tất cả các mặt hàng. Điều đó chứng tỏ, việc tăng/giảm kim ngạch của các mặt hàng này là một trọng số lớn quyết định quy mô và tốc độ tăng trưởng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (1% giá trị tăng lên của 22 mặt hàng này là 1,13 tỷ USD, trong khi 1% của tất cả các mặt hàng khác còn lại chưa đến 193 triệu USD). Vì vậy, cùng với việc mở rộng các mặt hàng để khai thác các nguồn lực về lao động, về tiềm năng nguyên vật liệu, cần tập trung để bảo đảm tốc độ tăng trưởng các mặt hàng chủ lực là rất cần thiết.

Trong năm qua, lần đầu tiên, Việt Nam có 1 mặt hàng đã vượt qua mốc 21 tỷ USD là điện thoại các loại và linh kiện. Đây là mặt hàng chủ yếu đã giúp cho Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về kim ngạch xuất khẩu; góp phần gọi thêm vốn FDI vào địa phương này. Mặt hàng này với triển vọng tiêu thụ lớn đã góp phần đưa Thái Nguyên lần đầu tiên vào “câu lạc bộ” các địa bàn có vốn FDI đăng ký đạt từ 1 tỷ USD trở lên (với lượng vốn gần 3,5 tỷ USD). Mặt hàng này đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới, ngay cả những thị trường mà trước đây Việt Nam nhập khẩu lớn và đã góp phần đưa nhiều thị trường trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, như Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (nhập điện thoại từ Việt Nam tới trên 3,42 tỷ USD trong tổng kim ngạch nhập khẩu gần 4,14 tỷ USD).

Cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến (từ 1/2 lên 2/3), giảm tỷ trọng hàng thô hoặc mới qua sơ chế (từ gần 1/2 giảm xuống còn dưới 1/3); trong mặt hàng chế biến, thì mặt hàng gia công giảm, mặt hàng có kỹ thuật công nghệ tương đối cao đã tăng lên.

Cơ cấu nội/ngoại trong xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch. Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm 61,2%; tương ứng khu vực kinh tế trong nước chiếm 38,8%. Điều đó cho thấy khu vực FDI đã tranh thủ khai thác tốt hơn độ mở cửa của Việt Nam để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu. Trong khi, khu vực kinh tế trong nước còn gặp khó khăn, chưa tận dụng được thời cơ mở cửa. Đây là điểm cần cảnh báo khi tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi và khi cam kết hội nhập sâu rộng hơn đối với ASEAN, TPP, EU…

7 điểm cần lưu ý

Thứ nhất, cùng với việc quan tâm đến các mặt hàng trọng điểm, cần quan tâm đến việc mở rộng các mặt hàng xuất khẩu khác để “góp gió thành bão”, khai thác lợi thế về lao động tay nghề, về nguyên vật liệu sẵn có của các vùng miền. Trong các mặt hàng này, đáng lưu ý có hạt tiêu (năm 2013 đã đạt 890 triệu USD, tăng khá cao về lượng (13,9%) và kim ngạch (12,1%); sản phẩm từ cao su tuy tăng 8% nhưng mới đạt 381 triệu USD; sản phẩm mây-tre-cói thảm là mặt hàng thủ công, năm 2013 đã tăng 8,6%; sản phẩm gốm, sứ năm 2013 đã đạt trên 475 triệu USD, tăng 7,9%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh năm 2013 đã đạt trên 542 triệu USD; kim loại thường khác và sản phẩm năm 2013 đạt gần 625 triệu USD; dây điện và dây cáp điện đạt trên 678 triệu USD…

Thứ hai, đối với những mặt hàng mà lượng xuất khẩu bị hạn chế về nguồn (như cà phê, hạt điều, gạo, cao su…), thì chuyển dần việc tăng lượng trên cơ sở tăng diện tích, sang nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chế biến để có giá trị gia tăng lớn hơn, giảm thiểu hàng thô hoặc mới qua sơ chế.

Thứ ba, đối với các mặt hàng có tính chất gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ nước ngoài, cần tập trung đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, nội địa hóa mạnh mẽ hơn, tránh ham rẻ mà nhập khẩu thiết bị máy móc có kỹ thuật công nghệ thấp, nguyên phụ liệu…, bởi như thế sẽ “lợi bất cập hại” và hại về lâu dài.

Thứ tư, ngay cả những mặt hàng được coi là kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ nguồn, có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhưng mức nhập khẩu rất cao, như: Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trên 21,24 tỷ USD, thì nhập khẩu tới trên 8 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu đạt 10,6 tỷ USD, nhưng nhập khẩu tới gần 17,7 tỷ USD, tức là cao gấp đôi.

Thứ năm, từ tổng kim ngạch xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu theo mặt hàng, theo tỉnh/thành phố cho thấy, mặt hàng nào, tỉnh/thành phố nào có lượng vốn FDI lớn, cũng đồng thời là mặt hàng, tỉnh/thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn. Do vậy, thu hút FDI là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tất nhiên, vấn đề quan trọng là không chỉ là lượng vốn mà là chất lượng, là kỹ thuật-công nghệ và quan trọng hơn là sự tan tỏa, chuyển giao kỹ thuật-công nghệ.

Thứ sáu, kim ngạch xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có kỹ thuật công nghệ cao của khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng thấp, tỷ trọng giảm và hiện ở mức thấp, trong khi của khu vực FDI tăng trưởng cao, tỷ trọng gaỉm và hiện ở mức cao, thậm chí có mặt hàng còn chiếm gần như tuyệt đối (như điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy ảnh, máy quay phim…). Xu hướng này sẽ còn gia tăng cùng với cam kết hội nhập ngày một sâu, rộng. Vấn đề đặt ra là khu vực kinh tế trong nước cần đặc biệt quan tâm đến đổi mới kỹ thuật-công nghệ; phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm tính gia công, lắp ráp; đẩy nhanh và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, tranh thủ sự lan tỏa kỹ thuật-công nghệ của khu vực FDI, coi đây là mục tiêu quan trọng nhất của việc thu hút FDI…

Thứ bảy, việc ký hiệp định FTA với EU, tham gia TPP sẽ có thể giảm nhập siêu từ một số nước hiện Việt Nam đang nhập siêu lớn, trong khi thị trường của 11 nước tham gia TPP lại rất rộng lớn, nên khả năng tăng trưởng xuất khẩu vào khu vực này cũng rất lớn.

Theo Minh Ngọc - Báo điện tử Chính phủ