Nhiều DN Việt chưa chú trọng xây dựng thương hiệu
Phần lớn các DN nhỏ và vừa (DNNVV) chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn kinh doanh, bao gồm cả tư vấn về thương hiệu.
Mới đây, lần đầu tiên Forbes Việt Nam thực hiện định giá thương hiệu, tìm được 40 thương hiệu công ty có giá trị lớn nhất Việt Nam với tổng giá trị gần 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, các thương hiệu của DN Việt, kể cả nhiều thương hiệu trong Top 40 vừa công bố, mới chỉ đạt được những thành công bước đầu, tạo được uy tín và thói quen của người tiêu dùng chứ chưa thực sự chạm tới ngưỡng được người tiêu dùng yêu thích giống như các thương hiệu toàn cầu như Pepsi, iPhone…
Trong khi đó, phần lớn các DN nhỏ và vừa (DNNVV) chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn kinh doanh, bao gồm cả tư vấn về thương hiệu. Điều này dẫn đến việc nhiều sản phẩm có chất lượng phải chịu thiệt do DN phải vay mượn thương hiệu từ các tập đoàn hay quốc gia khác.
Theo bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng điều hành Tập đoàn Publicis One Việt Nam, để xây dựng được thương hiệu mạnh, các DN Việt Nam cần dựa trên cảm xúc người tiêu dùng, phải “ôm chặt” người tiêu dùng, gắn chương trình hành động của DN với người tiêu dùng. Việc marketing thương hiệu đối với DN là chưa đủ mà cần tổ chức thêm các hoạt động để nâng cao việc nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh sản phẩm có chất lượng tốt, DN cần phải luôn có sự sáng tạo, đi đầu và đổi mới các sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng, đồng thời nhận trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra để khắc phục… Từ đó, theo thời gian, thương hiệu của DN sẽ dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Gám đốc Công ty quảng cáo T&A Ogilvy, một chuyên gia uy tín trong lĩnh truyền thông cho rằng, thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng đối với DN, nhưng quan trọng bởi những gì thương hiệu đó đã làm được chứ không phải những gì được nói ra.
Thực tế cho thấy Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu của các DN Việt Nam theo bình chọn của Forbes bởi đơn vị này đã xây dựng và phát triển thương hiệu cho mình một cách bài bản, từ việc marketing đến các hoạt động xã hội, hướng tới cộng đồng. Và quan trọng hơn, Vinamilk cho cộng đồng thấy được các chương trình hành động cụ thể của mình để tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Bên cạnh sự thành công của Vinamilk, câu chuyện gạo của Việt Nam vẫn đang trong tình trạng loay hoay tìm hướng đi là một ví dụ cho thấy việc đầu tư thiếu bài bản trong phát triển thương hiệu.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, mặc dù sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vẫn chưa xây dựng được các thương hiệu gạo mạnh do đơn vị này dàn trải quá nhiều sản phẩm, bao bì mẫu mã và tên gọi của các sản phẩm cũng khá giống nhau nên không để lại nhiều ấn tượng cho người tiêu dùng.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu HVNCLC
Chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu HVNCLC thành công trong suốt 20 năm qua, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, chương trình HVNCLC thành công là do có sự tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường, thấu hiểu được DN và người tiêu dùng, tạo cầu nối cho 2 bên gặp nhau, liên kết và kết hợp các nguồn lực xã hội, có sự đổi mới và sáng tạo liên tục.
Các hội chợ HVNCLC được tổ chức liên tục suốt trong năm ở các trung tâm tiêu dùng lớn của cả nước hay như các phiên chợ hàng Việt về nông thôn giúp DN mở rộng mạng lưới phân phối. Cùng với đó, Hội DN HVNCLC cũng quy hoạch xây dựng bản đồ phân phối cho DN.
Bà Hạnh cho biết, hầu hết các công ty hàng tiêu dùng trong Top 40 thương hiệu công ty có giá trị lớn nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam công bố mới đây đều là các DN HVNCLC như Vinamilk, Nutifood, TH True milk, Dược Hậu Giang, Thiên Long….
Tuy nhiên, với các DNNVV, việc phát triển thương hiệu còn nhiều hạn chế, vẫn còn những nhầm lẫn nhãn hiệu là thương hiệu, thương hiệu là bao bì, xây dựng thương hiệu là quảng cáo. Một số DN vẫn còn lối suy nghĩ: Chất lượng tốt cần gì thương hiệu; ít tiền, làm sao xây dựng thương hiệu; hàng không đủ bán cần gì xây dựng thương hiệu hay như “liệu cơm gắp mắm, hữu xạ tự nhiên hương”…
Bên cạnh những hạn chế nêu trên, hiện nay, nhiều thương hiệu hàng Việt uy tín đang bị làm giả, làm nhái, gây ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng.
Theo Chủ tịch Hội DN HVNCLC, trước tình hình hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho DN cũng có nhiều đổi khác. Bên cạnh các thương hiệu HVNCLC đã lớn mạnh, nhiều DNNVV vẫn sẽ là những đối tượng cần được hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, muốn hỗ trợ được nhiều DN, cần có sự chung tay từ Nhà nước bởi nguồn lực từ Hội còn nhiều hạn chế.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt