Nhiều cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm
Mặc dù nông sản việt Nam rất đa dạng và phong phú nhưng việc thiếu quy hoạch các vùng nguyên liệu có quy mô đủ lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến việc đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam còn hạn chế.
Nhằm giới thiệu tiềm năng và triển vọng của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đối với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, ngày 16/11, tại TPHCM, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2016), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: “Trong thời gian tới các nhà đầu tư nước ngoài không nên bỏ lỡ thời cơ khai thác cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương của Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần chủ động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư kinh doanh”.
Đầu tư vào công nghiệp chế biến còn hạn chế
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, đến nay, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được gần 290 tỷ USD và giải ngân gần 160 tỷ USD, tuy nhiên, chúng ta chỉ thu hút FDI được 7,6 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm với 521 dự án. Phần lớn các hoạt động đầu tư nước ngoài ít gắn kết với vùng nguyên liệu, chưa quan tâm phát triển vùng nguyên liệu. Hơn nữa, nguyên liệu trong nước mặc dù rất phong phú song chưa đáp ứng được sản xuất của các DN FDI.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, Việt Nam chưa có ưu đãi riêng cho lĩnh vực này mà nằm rải rác ở các quy định khác nhau, trong các chính sách nông nghiệp nông thôn, tín dụng, phụ thuộc vào địa bàn cụ thể…
Để thúc đẩy thu hút đầu tư trong chế biến thực phẩm, theo các chuyên gia, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với DN theo quy định của Luật Đất đai về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh nông nghiệp.
Đồng thời, các cơ sở sản xuất, DN trong nước cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông, thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Claudio Dordi, chuyên gia dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (Mutrap), để nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm xuất khẩu, Việt Nam cần hỗ trợ DN đầu tư thương hiệu. Trên thực tế, có nhiều nước đang tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam nhưng không biết đó là sản phẩm bắt nguồn từ Việt Nam.
Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
Phát biểu về Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, hiện nay Việt Nam đang là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư, nhiều thương hiệu lớn.
Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông thủy hải sản. Việt Nam cũng còn nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nhờ nguồn nguyên liệu phong phú, nhiều đặc sản độc đáo.
Nguyên liệu thô cho chế biến công nghiệp hết sức phong phú. Lượng thực phẩm tiêu thụ bình quân đầu người năm 2015 tăng khoảng trên 17% và dự đoán tăng khoảng trên 18,6% giai đoạn 2014-2019.
Cùng với đó là các lợi thế về xuất khẩu khi Việt Nam đã và sẽ tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với tất cả các thị trường kinh tế lớn trên thế giới… Theo đó, các DN xuất khẩu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ các chính sách thương mại từ các nước, nhất là việc cắt, giảm sâu về thuế đối với nhiều mặt hàng.
Đặc biệt, các lĩnh vực trong ngành chế biến thực phẩm đang được các bộ, ngành quan tâm ưu đãi đầu tư như: Sản xuất máy móc, công cụ, thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, xây dựng nâng cấp cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia cầm…
Cùng với quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa các DN Nhà nước, hiện nay, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang bán cổ phiếu của hơn 200 công ty, trong đó 50 công ty thuộc về lĩnh vực chế biến thực phẩm. Đây sẽ là cơ hội cho các DN thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thay vì phải đầu tư từ đầu theo cách truyền thống.
Ông Sơn mong muốn tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm sẽ giúp Việt Nam có được công nghệ, thiết bị hiện đại giúp mang lại hiệu quả lớn vì chất lượng được nâng cao, an toàn thực phẩm được bảo đảm, tạo giá trị gia tăng cho nông, thuỷ sản xuất khẩu, từng bước giúp chúng ta tham gia vững chắc vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đánh giá về sức hấp dẫn môi trường đầu tư lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam, nhiều DN nước ngoài cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư mà Chính phủ Việt Nam dành cho DN tham gia vào lĩnh vực này được xem là cạnh tranh nhất trong khu vực và các DN đang có kế hoạch phát triển ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt