Nhật Bản chắc chân vị trí nhà đầu tư dẫn đầu
Chưa có nhiều dự án lớn trong những tháng đầu năm, nhưng Nhật Bản vẫn chắc chân là nhà đầu tư dẫn đầu ở Việt Nam. Wonderful Sài Gòn Electrics (Nhật Bản) đã vừa có lần tăng vốn thứ ba sau 9 năm hoạt động tại Việt Nam. Với 210 triệu USD của lần tăng vốn này, Công ty có tổng vốn đầu tư 240 triệu USD, với mục tiêu đưa doanh thu từ 70 triệu USD của năm 2013 lên 80 triệu USD năm nay và 100 triệu USD năm 2015.
Đây cũng là dự án lớn nhất mà các nhà đầu tư Nhật Bản đổ vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm của nhà đầu tư Nhật Bản đạt 263,36 triệu USD. Với số vốn khiêm tốn này, Nhật Bản chỉ đứng ở vị trí thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu tính lũy kế, với trên 35 tỷ USD, Nhật Bản vẫn chắc chân ở vị trí dẫn đầu, cao hơn tới 5 tỷ USD so với Singapore, nhà đầu tư đang đứng ở vị trí thứ hai.
Sự “chắc chân” của nhà đầu tư Nhật Bản, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, không chỉ thể hiện ở số lượng dự án và số vốn đầu tư, mà còn ở cách thức đầu tư nghiêm túc, bài bản và hiệu quả.
Hiếm có dự án xin đầu tư rồi để đấy. Và nếu tính về số lượng dự án cũng như số vốn mở rộng đầu tư, thì không nhà đầu tư nào “địch” được với nhà đầu tư Nhật Bản.
“Đó chính là những nhà đầu tư làm ăn hiệu quả và họ thực sự mong muốn ở lại lâu dài với Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Một thông tin vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố, trong 3 năm qua, tổng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng liên tiếp. Đáng chú ý là, xu hướng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng rõ nét hơn. Nếu như năm 2011, chỉ có 77 dự án đầu tư mở rộng, với 589 triệu USD, thì con số này đã tăng lên 127 dự án và 1,222 tỷ USD trong năm 2012, rồi lên 125 dự án và 4,453 tỷ USD trong năm 2013.
Trong năm 2013, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tăng vốn thêm tới 2,8 tỷ USD để nâng tổng vốn đầu tư lên 9 tỷ USD. Cùng với Lọc dầu Nghi Sơn, năm ngoái, Bridgestone tăng vốn thêm 650 triệu USD, Panasonic tăng thêm 175 triệu USD, Sài Gòn Precision tăng thêm 130 triệu USD), Nidec Tosok tăng 96 triệu USD…
“Việc các nhà đầu tư Nhật Bản không ngừng tăng vốn cho thấy, họ thực sự tin tưởng vào tiềm năng của thị trường và môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói.
Kết quả khảo sát mới đây của JETRO cũng cho thấy, dù còn những quan ngại đối với những yếu tố rủi ro của môi trường đầu tư Việt Nam, song vẫn có tới 70% nhà đầu tư Nhật Bản được hỏi cho biết, họ sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam. “Lý do là thị trường Việt Nam có khả năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tăng doanh thu, xuất khẩu hàng hóa…”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội nói và cho rằng, trong xu hướng doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, cũng như do những rủi ro từ thị trường Trung Quốc và Thái Lan, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Thực tế, chỉ nhìn vào 2 dự án mà các nhà đầu tư Sumitomo và Marubeni (Nhật Bản) dự kiến đầu tư là Nhiệt điện Vân Phong (vốn đầu tư 2 tỷ USD) và Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,3 tỷ USD), có thể thấy, sẽ có một luồng vốn đầu tư lớn từ Nhật Bản chảy vào Việt Nam. Chưa kể, làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từ các nhà đầu tư Nhật Bản cũng sẽ góp phần đáng kể làm “nóng” luồng vốn này.
Ở một khía cạnh khác, đang có sự thay đổi khá rõ nét về xu hướng đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam. Thay vì đầu tư trực tiếp, đã có thêm việc mua bán và sáp nhập (M&A), như các thương vụ Mizuho mua cổ phần của Vietcombank, Unicharm mua 95% cổ phần của Diana, Sojitx mua 51% cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ – Sản xuất Hương Thủy, Nicherei Food mua 19% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex, Suntory thâu tóm 51% cổ phần của PepsiCo…
Nhưng đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) mới là xu hướng mới nhất. Việc Nhật Bản đã và đang không ngừng hỗ trợ ODA cho Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng và việc ODA đang được sử dụng như một khoản vốn mồi để kích hoạt đầu tư tư nhân sẽ “chắp cánh” cho PPP phát triển. Hiện Dự án Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng đã được triển khai đầu tư theo hình thức này.
Một khi PPP khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả, thì sẽ khơi được dòng chảy vốn đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào Việt Nam. Khi đó, Nhật Bản càng chắc chân ở vị trí dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt