Nhận diện tăng trưởng GDP năm 2014
Theo phần lớn dự báo của các tổ chức kinh tế, chuyên gia uy tín trên thế giới, tiếp tục xu hướng phục hồi từ nửa cuối năm 2013, kinh tế thế giới năm 2014 sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% so với mức 2,9% năm 2013.
Tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ cao hơn nhờ sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển; sự ổn định của các nước mới nổi và việc tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế của các nước.
Sự cộng hưởng các xu hướng, cơ hội và cả áp lực buộc các nước thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu và cải cách chính sách, nhằm duy trì tăng trưởng, giảm thất nghiệp và cải thiện đời sống người dân…
Kỳ vọng vào các đầu tàu kinh tế
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP toàn cầu năm 2014 sẽ tăng khoảng 4,1% (so với mức 3,5% năm 2013).
Trong đó, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3% (so với 2% năm 2013), tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ còn khoảng 6-6,5% (so với 7,2%) và tiếp tục tác động tới thế giới qua những động thái thị trường và chính sách thương mại, đầu tư, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), chính sách thuế và chi tiêu công, thị trường nhà ở, thị trường cổ phiếu, thị trường lao động…
IMF dự báo, năm 2014, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 8,5% (so với mức 8,2% năm 2013) và chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang thị trường nội địa. Kinh tế Nhật Bản sẽ tăng 0,7% (so với 1,2% năm 2013). Kinh tế châu Âu sẽ tăng 1-1,4% (so với -0,2%).
Được công bố ngày 19/12/2013, Báo cáo về triển vọng và bối cảnh kinh tế thế giới năm 2014 của Liên hợp quốc thì có phần thận trọng hơn khi đưa ra dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 3%. Tuy nhiên, báo cáo này cảnh báo, thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn và nguy cơ suy thoái, trong đó có rủi ro từ sự giảm dần các chương trình nới lỏng định lượng trên thị trường tài chính. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% và kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 7,5%.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu về tình báo kinh tế (EIU thuộc Tạp chí The Economist – Anh), GDP toàn cầu năm 2014 sẽ tăng 3,6% và là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011, nhờ vào đà tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật Bản, cũng như sự phục hồi ấn tượng ở khu vực sử dụng đầu tiền chung euro (Eurozone).
Nền kinh tế Mỹ đang có nhiều tín hiệu tích cực, với tốc độ tăng GDP đạt 3,6% trong quý III/2013 và thất nghiệp chỉ còn 7%; niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp được cải thiện đáng kể sẽ giúp GDP của Mỹ tăng 1,7% cả năm 2013 và lên mức 2,6% năm 2014. Với chương trình cải cách kinh tế táo bạo nhất trong nhiều thập kỷ qua, GDP của Nhật Bản sẽ tăng 1,7% năm 2014, cao hơn chút ít so mức tăng trưởng năm 2013. Kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,3% năm 2014, do thắt chặt tín dụng và tiếp tục ưu tiên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. GDP của Ấn Độ dự kiến tăng tăng 6% năm 2014, cao hơn nhiều so với mức 4,9% năm nay.
Kinh tế Eurozone đã khởi sắc sau 6 tháng sụt giảm liên tiếp. GDP tăng lần lượt 0,3% và 0,1% trong 2 quý II và quý III/2013; dự báo sẽ tăng 0,9% trong năm 2014, trong đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức tăng trưởng 1,4%, tiếp đó là nền kinh tế lớn thứ hai là Pháp, tăng 0,7%.
Theo dự báo của EIU, các nền kinh tế Đông Âu chỉ tăng 1,4% năm 2013 (kinh tế Nga chỉ tăng 1,5% – 1,6%), nhưng sẽ có động lực xuất khẩu tốt hơn vào năm 2014 do nhu cầu ở Đức và Eurozone sẽ phục hồi và dự báo tăng mạnh, và GDP của Đông Âu dự kiến đạt 2,9% năm 2014, trong đó tăng mạnh nhất là kinh tế lớn nhất khu vực là Nga, với mức 3%.
Khu vực Nam Mỹ tăng ở mức 3,2% năm 2014, một phần nhờ hưởng lợi từ các điều kiện tốt hơn của kinh tế toàn cầu. EIU dự báo, năm 2014, GDP của Trung Đông và Bắc Phi chỉ tăng 3,7%; GDP của khu vực tiểu vùng Sahara tăng 4,5% (cao hơn so với mức 3,7% năm 2013).
Điều cần nhấn mạnh là, dù còn khác nhau về nhận định mức tăng trưởng cụ thể từng nước và khu vực, song các tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế có uy tín đều thống nhất rằng, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương vẫn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014, đóng góp tới 40% mức tăng trưởng GDP toàn thế giới, cao hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Các nền kinh tế mới nổi khác, nhất là Ấn Độ và Brazil tiếp tục ổn định và sẽ gia tăng vị thế động lực tăng trưởng chung cùng với sự thu hẹp chính sách nới lỏng tài chính kích thích kinh tế của các đầu tầu kinh tế thế giới trên.
Sức ép khủng hoảng nợ công giảm, duy trì chính sách nới lỏng đầu tư, gia tăng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) và thương lượng đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Năm 2014, một xu hướng lớn tích cực là sự tiếp tục gia tăng các hoạt động đàm phán FTA giữa các nước trong cùng châu lục hay liên châu lục; điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA giữa EU và Mỹ, cũng như sự mở rộng liên minh kinh tế không gian hậu Xô Viết. Đồng thời, xu hướng này được hỗ trợ bởi một triển vọng tích cực là hầu hết các nước (là con nợ lớn) cơ bản được giải tỏa sức ép phá sản do nợ công cao gây nhiều kịch tính trong năm 2012 và tiếp tục cải cách tài chính – ngân hàng.
Các số liệu kinh tế cho thấy, châu Âu đã chính thức ra khỏi khủng hoảng và đang xúc tiến những bước đi hướng tới chính sách tài khóa chung và nhất thể hoá ngành ngân hàng toàn khu vực, xây dựng liên minh ngân hàng. Sự cộng hưởng các động thái này sẽ tác động mạnh tới hoạt động M&A và thị trường mua-bán nợ quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng là các gói hỗ trợ tín dụng chính phủ sẽ tiếp tục trên phạm vi toàn cầu, nhất là ở Trung Quốc, Nhật Bản, Eurozone. Theo quan điểm công khai của bà Janet Yellen, dự kiến sẽ là tân Chủ tịch FED từ ngày 1/2/2014, thì trong năm 2014, gói nới lỏng định lượng QE 3 về cơ bản vẫn được FED duy trì, dù có thu hẹp tượng trưng quy mô theo đà phục hồi của nền kinh tế và thị trường Mỹ. Đây sẽ là nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ, với các hiệu ứng tích cực lan tỏa toàn cầu của nó.
Nhận diện các rủi ro
Tuy nhiên, các dự báo trên cũng đưa ra nhiều cảnh báo đáng ghi nhận. Đó là kinh tế thế giới năm 2014 không chỉ toàn màu hồng, mà cũng cần tính đến một số thách thức chung, gắn với gia tăng áp lực lạm phát do hệ quả chính sách tiền tệ nới lỏng quy mô rộng và kéo dài, cũng như khả năng tăng cầu tiêu dùng xăng dầu (nguyên liệu chung trên phạm vi toàn cầu gắn với phục hồi kinh tế thế giới); sự rủi ro của tình trạng thất nghiệp cao (tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện là 26,6% và ở Hy Lạp là 27,6%, trong đó thất nghiệp trong thanh niên Hy Lạp lên tới 75%).
Bên cạnh đó, nhiều nước còn loay hoay tìm kiếm mô hình và động lực tăng trưởng mới; khả năng suy giảm động lực tăng trưởng do Trung Quốc tiến hành cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế…; Mỹ có thể giảm bớt quy mô mua lại khoản nợ xấu của các công ty, tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới, nhất là kinh tế của các nước đang phát triển.
Nhìn chung, những triển vọng tích cực của kinh tế thế giới sẽ trực tiếp và gián tiếp mang lại những thuận lợi về thị trường và lòng tin cho nền kinh tế Việt Nam. Nhờ đó, cùng với nỗ lực chung của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội khởi sắc hơn trong năm 2014, nhất là sự tiếp tục cải thiện chung về xuất khẩu, thu hút vốn FDI, ODA, kiều hối, cũng như duy trì sự ổn định về giá cả lương thực, năng lượng, giá vàng, tỷ giá…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt