Ngành Dệt may chủ động ứng phó thách thức
Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng mang lại lợi ích lớn cho Ngành Dệt may (DM). Tuy nhiên, mới đây, Mỹ tuyên bố không tham gia TPP. Động thái trên sẽ phần nào ảnh hưởng đến Ngành DM Việt Nam.
Theo các chuyên gia điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian củng cố, hoàn thiện năng lực sản xuất, nhưng phải chủ động hơn để ứng phó với thách thức phát sinh.
Theo đánh giá của Hiệp hội DM Việt Nam, việc tham gia TPP giúp Ngành DM có thuận lợi lớn về thuế quan và tiếp cận thị trường. Chủ tịch Hiệp hội DM Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, việc có thể tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ, với mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng 0%, sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn và triển vọng sáng cho Ngành DM. Đồng thời, là một trong những ngành cần nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, việc giảm thuế nhập khẩu từ các nước TPP giúp Ngành DM có nguồn nguyên liệu “đầu vào” giá rẻ, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về tiếp cận thị trường, tham gia TPP, hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ, Nhật Bản – là những quốc gia có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới, lần lượt chiếm 56,9% và 21,6% tổng GDP các quốc gia thành viên trong TPP. Xuất khẩu trong Ngành DM của Việt Nam đến hai quốc gia này hiện cũng đang chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, mới đây, việc Mỹ chính thức rút khỏi TPP đã đặt ra vấn đề phải xem xét, đánh giá lại tác động của TPP với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Ngành DM nói riêng. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex), TPP không có Mỹ có thể mang lại một số điểm lợi cho Việt Nam, như sẽ có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị đủ điều kiện cho các hiệp định chung. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có thể đạt được tăng trưởng nhiều nhất từ TPP.
Nhưng những cơ hội đó đòi hỏi điều kiện liên quan đến thể chế quản lý kinh tế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, để các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam có thể hấp thụ được lợi ích của TPP. Với Ngành DM, kể cả khi TPP được thông qua, Việt Nam cũng chưa thể hưởng lợi ngay, mà phải có thời gian chuẩn bị các điều kiện như nội địa hóa xơ sợi, công nghiệp phụ trợ cho Ngành DM… mà hiện Việt Nam chưa thực hiện được.
Rõ ràng, TPP không hẳn chỉ mang lại những lợi ích, mà còn có những thách thức, như liệu DM Việt Nam có kịp thời phát triển bứt phá, để xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi theo luật chơi của TPP hay không. Đến nay, có thể thấy, khi TPP đàm phán xong, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa thực sự chuẩn bị tích cực để đủ điều kiện đáp ứng luật chơi và hưởng lợi từ Hiệp định. Do đó, việc dừng TPP cũng không khác nhiều nếu TPP được thông qua.
Bên cạnh đó là mặt tiêu cực khi mở cửa thị trường hội nhập trong khi chưa chuẩn bị tốt, hàng hóa của các nước thành viên sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh với hàng hóa trong nước ngay tại thị trường nội địa.
Doanh nghiệp phải nhập khẩu các nguyên phụ liệu để xuất khẩu, như vậy gia tăng giá trị xuất khẩu chứ chưa gia tăng giá trị cho người Việt Nam. Đặc biệt, về rào cản phi thuế quan, đòi hỏi chi phí tổ chức thực hiện của Nhà nước và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Nhưng xét một cách kỹ lưỡng, một số tiêu chuẩn (trong đó có tiêu chuẩn về môi trường) sẽ là cơ hội để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động trong nước.
Đây vẫn là thời điểm các doanh nghiệp DM Việt Nam cần tích cực chuẩn bị tư thế sẵn sàng hội nhập bất cứ lúc nào cho các hiệp định thương mại tự do chứ không riêng TPP. Theo các chuyên gia, ngoài TPP, Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định tự do song phương và đa phương, như WTO, ASEAN 3, ASEAN 6… Vì vậy, chỉ cần doanh nghiệp DM Việt Nam chuẩn bị kỹ, nâng cao năng lực canh tranh thì sẽ khai thác được nhiều thị trường khác, trong đó có cả Mỹ.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt