Thứ Ba, 09/09/2014 7:50:59 (GMT+7)

Năng lực cạnh tranh Việt Nam đang ở đâu?

Dù Việt Nam đã tăng 2 bậc trong Bảng Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2014 – 2015 mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, nhưng vẫn chưa hết những lo ngại về khả năng cạnh tranh của nước ta với các nước trong khu vực trước thời điểm hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Năng lực cạnh tranh Việt Nam đang ở đâu?

Việt Nam đã tăng 2 bậc trong Bảng Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2014 - 2015 mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, thứ hạng trong GCI của Việt Nam được cải thiện, từ vị trí 70/148 (năm 2013) và 75/144 (năm 2012) lên vị trí 68 trong số 144 nền kinh tế được xếp hạng.

Song sự thăng hạng này chưa đủ để khẳng định xu hướng đi lên về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất là khi nhìn sang một số nền kinh tế trong khu vực ASEAN. Cụ thể: Thái Lan tăng 6 hạng, xếp thứ 31; Indonesia tăng 4 hạng, lên thứ 34; Philippines tăng 7 hạng, ở vị trí 52.

Những khoảng cách khá xa này đang đặt ra thách thức rất lớn khi Việt Nam muốn bứt phá so với các nền kinh tế châu Á về năng lực cạnh tranh trước thời điểm AEC hình thành vào năm 2015.

Phân tích từng chỉ số thành phần của GCI, có thể thấy, điểm yếu cốt lõi của năng lực cạnh tranh Việt Nam tiếp tục nằm ở yếu tố nâng cao hiệu quả (với điểm 4 trên thang điểm 7) và yếu tố sáng tạo trong nền kinh tế (3,4 điểm). Mức điểm khá của các yếu tố cơ bản, như thể chế, cơ sở hạ tầng… (4,4 điểm) không đủ để tạo nên sự cải thiện đáng kể về điểm số GCI so với năm trước đó (đều cùng 4,2 điểm). Đây cũng là mức điểm khi Việt Nam ở vị trí thứ 65/142 trong Bảng Xếp hạng GCI năm 2011-2012.

Đặc biệt, liên quan đến năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, điểm số trong GCI rất thấp do phần lớn DN đang ở đáy của chuỗi giá trị. Các chỉ số đánh giá khả năng cung cấp nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ, khả năng tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu… của DN Việt Nam bị giảm tới 8 điểm, đứng ở vị trí 106/144. Thấp hơn nữa, khả năng tiếp nhận công nghệ mới của DN Việt Nam bị xếp thứ 118/144.

Ngay trong Chỉ số về Tính hiệu quả của thị trường lao động, dù được cho là đã có nhiều cải thiện và đứng thứ 49/144, thì xếp hạng về chi phí lao động lại ở mức thấp: 112/144. Hơn thế, nguồn nhân lực yếu cũng đang nằm trong nhóm những vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Thậm chí, cùng với Lào và Campuchia, Việt Nam tiếp tục bị “điểm danh” trong nhóm 37 nền kinh tế ở nấc thang đầu tiên trong 5 bậc phát triển mà WEF phân định. Trong khi đó, Philippines đã thoát khỏi nhóm này và có mặt trong nhóm chuyển tiếp. Còn Thái Lan, Indonesia thì vững chân trong nấc thang thứ 2; Malaysia và Singapore thì ở nấc thang trên…

Theo tiêu chí của WEF, việc sắp xếp các nền kinh tế vào các bậc thang phát triển này dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người và nền tảng để tạo nên mức thu nhập đó. Các nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên đều ở bậc thang thấp nhất. Nấc thang tiếp theo là phát triển dựa trên yếu tố hiệu quả và bậc cao nhất là dựa trên yếu tố sáng tạo. Giữa 3 bậc thang này có giai đoạn chuyển tiếp dành cho các nền kinh tế đang trong xu hướng chuyển dịch.

Khi nhận định về sự bền vững trong cải thiện các chỉ số GCI, Việt Nam bị đánh giá là đang có xu hướng đi xuống. Như vậy, nếu chậm cải thiện các yếu tố liên quan đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt là năng suất lao động, thì Việt Nam rất khó bứt phá, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động được coi là một trong các yếu tố giúp kinh tế Việt Nam bứt phá. Hy vọng, qua nội dung mà Hội nghị Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 vừa diễn ra tại Hà Nội đề cập, Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, góp phần cải thiện chỉ số GCI, đồng thời đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế.

Theo Bảo Duy - Báo Đầu tư