Năng lực cạnh tranh: Cải thiện hay là chết?
Chưa bao giờ, chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trở nên cấp bách như hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã và đang tiếp tục ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay.
Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, năng lực cạnh tranh thậm chí còn là lời giải duy nhất đúng cho bài toán tồn tại hay không tồn tại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai, chứ chưa nói đến tham vọng lớn mạnh hay phát triển. Nỗi lo là hoàn toàn có lý, do vậy dễ hiểu vì sao tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 mới đây, chủ đề được lựa chọn để thảo luận là “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”.
Càng có lý hơn, khi những con số được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam viện dẫn tại VBF cho thấy, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thêm nữa, hiện còn gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh doanh cá thể đã đóng góp trên 33%. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định, khu vực tư nhân Việt Nam còn quá manh mún.
Và cũng rất đáng lo khi chỉ có 36% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với con số gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Cũng chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp chưa nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trên thực tế, đây không phải là những con số quá mới. Sự yếu kém về năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải câu chuyện mới. Nhưng đó lại trở thành thách thức vô cùng lớn khi Việt Nam đã và đang ký kết hàng loạt FTA, đồng thời cuối năm nay sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy thách thức đan xen.
Việt Nam, như ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Khu vực của IFC nói là “đã làm được nhiều điều, nhưng phần còn lại của thế giới cũng lại đang cạnh tranh rất tích cực”. Liệu chúng ta có kịp chuyển mình để tận dụng được cơ hội này hay không?
Năm qua, việc hàng loạt luật quan trọng, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… đã được thông qua và mang lại hiệu ứng tích cực, song liệu quá trình thực thi có hiệu quả hay Luật mở, còn nghị định, thông tư hướng dẫn lại khép?
Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được Chính phủ ban hành đã thực sự mở đường cho những nỗ lực đột phá bước đầu trong các lĩnh vực thuế, hải quan… Việt Nam đang hướng đến chuẩn ASEAN 6, chứ không phải là chuẩn của riêng Việt Nam nữa. Những nỗ lực đó cần được đẩy mạnh hơn, không thể chỉ dừng như hiện nay. Sự minh bạch và dễ tiên liệu của hệ thống chính sách pháp luật là cần thiết để tạo điều kiện cho hệ thống doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước còn non yếu, thì khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại đang trỗi dậy mạnh mẽ. Làm sao để doanh nghiệp Việt cũng có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng liên kết mở rộng quy mô? Đó không phải là đòi hỏi, là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp Việt, mà còn là mong muốn của chính khu vực FDI.
Có quá nhiều vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh cũng như “sức khỏe”, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp cần được giải quyết. Tất cả những điều đó đã được thảo luận tại VBF với mục tiêu cuối cùng là làm sao để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại. Đương nhiên, cùng với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, còn phải là năng lực cạnh tranh của quốc gia. Nếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng lên một bậc, thì đó cũng sẽ là cú hích cho năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi đó có thể nói, Việt Nam đã tìm được lời giải cho bài toán tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt