Nâng hạng môi trường kinh doanh: Cần nhiều Nghị quyết 19
Một bản dự thảo nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.
Lần này, mục tiêu mà cơ quan xây dựng và trình văn bản này xác lập cho môi trường kinh doanh Việt Nam là chắc chân trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN và bước vào top 3 từ năm 2020. Để đạt được mục tiêu không hề dễ dàng, thậm chí là vô cùng khó khăn này, môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần thêm một Nghị quyết 19 nữa.
Còn nhớ, đúng thời điểm này năm trước, giới đầu tư – kinh doanh xôn xao vì sự xuất hiện của Nghị quyết 19/2015/NQ-CP ban hành ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016.
Xôn xao vì một năm trước đó, Nghị quyết 19/2014/NQ-CP với mục tiêu tương tự được ban hành (ngày 18/3/2014), lần đầu tiên thể hiện quyết tâm và áp lực cải cách của người đứng đầu Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương trong việc thay đổi thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam so với các nền kinh tế khác trong khu vực.
Kỳ thực, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện tích cực, nhất là lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng. Thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam nhích dần lên trong các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Nhưng không thể né tránh rằng, những kết quả đạt được cho tới thời điểm này chủ yếu là từ việc thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014, phần lớn nhờ các biện pháp rà soát, cắt bỏ các thủ tục trên văn bản, giấy tờ. Các nhiệm vụ, giải pháp để tạo ra những thay đổi trên thực tế, đảm bảo người dân, doanh nghiệp thực sự cảm nhận và được hưởng lợi theo yêu cầu của Nghị quyết 19 năm 2015 chưa làm được nhiều. Điều đó có nghĩa, môi trường kinh doanh Việt Nam chưa có bước đột phá nào rõ ràng.
Đầu tiên phải nhắc tới mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về bản chất là tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, công khai, bình đẳng theo đúng nguyên tắc của thị trường, vẫn chưa có kết quả. Lý do là số bộ, ngành, địa phương thực hiện yêu cầu rà soát, đánh giá quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung ít hơn rất nhiều so với số bộ chưa làm, thậm chí, còn ít hơn cả số bộ, ngành ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, cái mà doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn đau đầu gọi là giấy phép con.
Hay như mục tiêu cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành và cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất, nhập khẩu mà Nghị quyết 19 đặt ra cho 10 bộ cùng làm, thì chỉ có 3 bộ là Tài chính, Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai các hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành. Số bộ, ngành còn lại hoặc nợ việc, hoặc bàn hành văn bản không đúng yêu cầu chỉ đạo tại Nghị quyết 19…
Đặc biệt, mục tiêu giảm thời gian cấp phép xây dựng xuống còn 77 ngày đến hết năm 2016 đang trở nên khó khăn, khi trong 2 năm qua, thủ tục này đã tăng lên 52 ngày, hiện là 166 ngày theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2016…
Thêm một lần nữa, quyết tâm, đặc biệt là trách nhiệm thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương được đặt ra như là một trong những nguyên nhân chính khiến các bước chuyển của môi trường kinh doanh Việt Nam chưa đạt kế hoạch. Thêm một lần nữa, trách nhiệm người đứng đầu được nhấn mạnh là chìa khóa để tháo bỏ những lưỡng lự, băn khoăn, đặc biệt là thói quen trong thực thi công vụ của công chức.
Có lẽ lần này, kết quả thực hiện Nghị quyết 19 phải được coi là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của từng bộ, cơ quan, địa phương, xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu và xếp hạng công chức. Vì môi trường kinh doanh Việt Nam chỉ có thể ganh đua với các nền kinh tế đi trước trong khu vực ASEAN, khi từng công chức Việt Nam thực sự tham gia cuộc đua này.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt