Thứ Năm, 05/06/2014 8:16:26 (GMT+7)

Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực thuế, hải quan

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng thời gian qua tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế, hải quan vẫn chưa theo kịp với nhu cầu, dẫn đến nguy cơ giảm năng lực cạnh tranh.

Chính vì thế, Hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh” do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức ngày 4/6 tại Hà Nội đã tập trung thảo luận về những vướng mắc cần cải thiện trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Quảng cảnh buổi hội thảo. Ảnh: VGP/Công Việt

Quảng cảnh buổi hội thảo. Ảnh: VGP/Công Việt

Khó khăn trong rút ngắn khoảng cách

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB): Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á-Thái Bình Dương và cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Để giải quyết thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số19/NQ-CP, trong đó nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan phối hợp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính trong việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thuế, hải quan.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Ban Cải cách-Tổng cục Thuế cho biết: So với 1.050 giờ trước đây, thì việc rút ngắn xuống còn 872 giờ hiện nay là một kết quả bước đầu, dù chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Tuy nhiên, điều quan trọng là nước ta vẫn là một nền kinh tế đang chuyển đổi, sử dụng tiền mặt quá nhiều, khó kiểm soát chứng minh thu nhập, kê khai tài sản. Do đó, bên cạnh đơn giản, “thông thoáng hóa”, cơ quan Thuế vẫn phải chịu sức ép lớn trong việc quản lý chống gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế VAT…

Còn đại diện ngành Hải quan, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, thời gian qua ngành Hải quan tích cực triển khai áp dụng thông quan điện tử, đơn giản hóa thủ tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, có trường hợp thí điểm, có khi chỉ mất 5 phút, nhưng hàng vẫn chậm vì một số lý do như khác như vấn đề vận chuyển hàng, chủ hàng lại chưa lấy hàng, đặt ra yêu cầu cải thiện về vấn đề hậu cần, logictis…

Ngoài ra, rất khó so sánh khi một cửa khẩu có làm rất tốt thủ tục, nhưng có lưu lượng hàng hóa quá lớn, so với cửa khẩu lại có lưu lượng ít lại được có thời gian hoàn thành thủ tục nhanh hơn, muốn đánh giá cần có một bộ quy chuẩn cụ thể về ngành Hải quan.

Cần giải pháp đồng bộ

Nhấn mạnh về yếu tố phối hợp, bà Hoàng Thị Lan Anh phân tích: Chỉ tiêu “thời gian nộp thuế” ở đây là của quốc tế. Còn ở Việt Nam thực chất bao gồm cả thời gian làm các thủ tục đóng thuế và các khoản an sinh xã hội của người lao động mất đến 355 giờ/872 giờ. Còn thời gian đóng thuế VAT là 320 giờ, thuế thu nhập doanh nghiệp là 217 giờ.

Như vậy, dù ngành Thuế có cải cách rút ngắn triệt để thời gian thì vẫn không thể đạt được mục tiêu (171 giờ) nếu không có sự phối hợp từ các cơ quan khác như Bảo hiểm xã hội để giải quyết điểm nghẽn.

Có cùng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hai chỉ số là khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư. Nhưng để thực hiện các mục tiêu này vẫn rất cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Bộ Tài chính cũng cần sự phối hợp của các bên, nhất là bảo hiểm xã hội để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại Hội thảo, đại diện USAID nhận định: Nghị quyết 19 là một gói các giải pháp đổi mới nhằm cắt giảm chi phí, thời gian, rủi ro trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. USAID đã hỗ trợ tham vấn và kết nối cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp thông qua dự án quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG). Muốn triển khai Nghị quyết 19 cần có sự tham vấn chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, các văn bản pháp quy về thủ tục nộp thuế cần thống nhất, có hướng dẫn rõ ràng, ứng dụng tối đa thông tin, tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Cần xây dựng kênh tham vấn, giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp nhanh hơn, có giá trị pháp lý cao hơn, tránh tình trạng “chỉ giải quyết trả lời bằng văn bản” hay “chờ Tổng cục trả lời”.

Cần nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng để triển khai thủ tục hải quan điện tử nhanh chóng, gắn liền với giảm thiểu tương tác giữa cán bộ hải quan tiếp nhận đối với những lô hàng ưu tiên, thực hiện thủ tục hải quan điện điện tử một cách tự động theo đúng nghĩa. Cần thực hiện nghiêm túc về hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động hải quan-TRS đo lường thời gian từ khi hàng hóa đến cảng, cửa khẩu, cho đến khi hàng đã được chấp nhận thông quan; từ khi hải quan tiếp nhận tờ khai hải quan đến khi ra quyết định thông quan.

Bà Cúc nhấn mạnh, cần phát triển các đại lý thuế chuyên nghiệp, vì điều này sẽ giúp làm nhanh thủ tục, giảm thiểu rủi ro cho các cơ quan thuế. Con số 700 doanh nghiệp khai thuế qua đại lý Thuế hiện nay là quá ít.

Ông Nguyễn Công Bình xác định rõ: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành Hải quan đã có Chiến lược phát triển đến năm 2020, cơ bản các thủ tục và chế độ quản lý hải quan phải đơn giản, hiệu quả, hài hòa và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các địa bàn trọng điểm.

Về thực hiện thủ tục hải quan điện tử: Đến 2015 có 100% các cục hải quan, 100% các chi cục hải quan tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm), 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu, 60% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Tuy nhiên, triển khai hải quan điện tử hiệu quả cần có sự phối hợp, đầu tư đồng bộ về công nghệ thông tin ở các ngành khác nhau như thuế, kho bạc…

Theo TS Nguyễn Đình Cung: Nếu cải thiện môi trường kinh doanh thì tốc độ tăng GDP sẽ được cải thiện đáng kể. So với các nước trong khu vực, thời gian làm thủ tục xuất khẩu của Việt Nam trung bình  khoảng 21 ngày, chi phí 610 USD thì Malaysia là 11 ngày và 450 USD.

Chỉ cần lấy ví dụ về một chỉ số theo tiêu chuẩn thời gian thông quan xuất nhập khẩu của các nước hàng đầu năm 2010 (TOP 10) mất tối đa 7 ngày. Nếu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu còn 7 ngày thì GDP sẽ tăng lên khoảng 27 tỷ USD.

Theo Huy Thắng - Báo điện tử Chính phủ