Môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp của Pháp
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định cũng như môi trường đầu tư-kinh doanh được cải thiện đang khiến nhiều tập đoàn lớn của Pháp muốn đầu tư hoặc mở rộng quy mô các dự án tại Việt Nam.
Đây là nội dung bao trùm buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Pháp diễn ra tối 24/7 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Cuộc gặp nhân dịp Đối thoại cấp cao lần thứ tư về kinh tế giữa Việt Nam và Pháp được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn chủ trì.
Cuộc gặp đã quy tụ các tập đoàn hàng đầu của Pháp trong các lĩnh vực hàng không-vũ trụ, chế tạo vệ tinh, quản lý sân bay, năng lượng, ngân hàng như Airbus, Alstom, ADP, EDF, Areva, La Poste… Rất nhiều trong số đó đã triển khai các dự án đầu tư và hợp tác quan trọng tại Việt Nam. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam có đại diện các Tập đoàn FPT và Viettel.
Phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp từ đầu năm 2016 được mở đầu bằng chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18-21/3 vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartelone và sau đó là chuyến thăm từ ngày 5-7/6 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian.
Năm 2016 cũng được đánh dấu bởi 3 sự kiện kinh tế lớn đó là Đối thoại kinh tế cấp cao lần thứ tư tại Paris, Hội nghị hợp tác phi tập trung Việt Nam-Pháp vào giữa tháng Chín sắp tới tại Cần Thơ và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 tới.
Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng Chín tới đây – một chuyến thăm được trông đợi từ rất lâu, sẽ tạo một cú hích cho sự phát triển các quan hệ đa dạng, sâu sắc và toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Pháp; đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược đã được hai nước ký kết vào tháng 9/2013.
Về phần mình, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương chào mừng các tập đoàn và công ty lớn của Pháp đã có mặt tại cuộc gặp, điều đó chứng tỏ sự quan tâm đến các hoạt động đầu tư và hợp tác với Việt Nam.
Thứ trưởng đã điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và sáu tháng đầu năm nay. Thứ trưởng cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015 đạt 6,48%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2009.
Năm 2016, mục tiêu tăng trưởng là 6,5%, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm mức tăng trưởng chỉ đạt 5,52% do chịu tác động của các hiện tượng biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn hoặc các yếu tố khách quan như giá dầu thấp trên thị trường thế giới.
Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam đã không điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng mà thay vào đó là đưa ra một loạt giải pháp cấp bách để đẩy mạnh tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, gồm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp, điều hành các chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng cho biết Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kết thúc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Theo Thứ trưởng, rất nhiều nhà đầu tư đang nỗ lực tận dụng cơ hội khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực để có những quyết định đầu tư vào Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Chính phủ Việt Nam cũng đã cố gắng ở mức cao nhất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư và kinh doanh, được thể hiện qua việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua và ban hành luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014, ban hành luật Đấu thầu năm 2015, đồng thời tập trung cải cách các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước.
Cũng tại cuộc gặp, các doanh nghiệp và tập đoàn Pháp đã giới thiệu sơ lược thế mạnh công nghệ, tiềm lực tài chính đồng thời bày tỏ mong muốn được mở rộng quy mô và số vốn các dự án, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đã hoan nghênh các tập đoàn Pháp đầu tư và cung cấp cho Việt Nam các máy móc, thiết bị hiện đại thông qua các hợp đồng bán sản phẩm, mong muốn các tập đoàn đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để Việt Nam từng bước tiến tới việc lắp ráp, sản xuất và chế tạo các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt