Môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ cải thiện nhiều
Các luật mới có hiệu lực trong năm 2015, thể chế kinh tế đã có bước cải thiện đáng kể, cộng thêm quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 sẽ được cải thiện nhiều, nếu việc thực thi được triển khai tốt, ông Vương Đình Huệ chia sẻ.
Trước thềm năm mới 2015 – năm bản lề của chiến lược 10 năm và cũng là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2011-2015, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương GS.TS Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về kinh tế Việt Nam năm 2014, cũng như triển vọng, thách thức trong thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế năm 2014 và triển vọng,cũng như những vấn đề đặt ra trong năm 2015 của Việt Nam?
GS.TS Vương Đình Huệ: Nếu nhìn về 1 năm trước, thì tình hình kinh tế Việt Nam ở thời điểm này sáng lên rất nhiều. Điều đó thể hiện ở chỗ kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp, tăng trưởng dự kiến đạt trên 5,8%.
Tôi cũng không đồng tình với quan điểm lạm phát thấp do tổng cầu suy yếu. Vì thực tế tiêu dùng vẫn tăng đều. Thị trường bây giờ rất thuận tiện, nên tập quán và tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam cũng có những thay đổi.
Về thị trường tài chính tiền tệ có ổn định hơn trước, lãi suất huy động và cho vay đều giảm, tỷ giá biến động hợp lý.
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Tái cơ cấu đầu tư công chúng ta đang triển khai đúng hướng, giảm dần được phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên. Các hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, Fitch Ratings cũng đã đánh giá cao độ tín nhiệm của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, đó là một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn cần phải lưu ý đến các vấn đề khác như rủi ro nợ công, nợ xấu. Việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, dù có tiến bộ nhưng còn chậm, không được như mong muốn.
Điều đáng mừng là năm 2015 sẽ có nhiều luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Những luật này liên quan tới thể chế kinh tế thị trường có cách tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại. Cùng với việc Chính phủ đã ban hành kịp thời các nghị quyết và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể như các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai… sẽ tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế.
Việt Nam đang hướng tới việc đạt được những kết quả đàm phán các hiệp định thương mại tự do mang tới nhiều kỳ vọng trong năm 2015 như: Hiệp định thương mại tự do với các khối, nền kinh tế lớn trên thế giới như Hiệp định TPP, Hiệp định FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan… Năm 2015, Việt Nam cũng sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Tôi cho rằng, chính các sự kiện về hội nhập quốc tế như vậy tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về việc triển khai cải thiện môi trường kinh doanh ở một số bộ, ngành, địa phương? Làm sao để có thay đổi lớn trong năm 2015?
GS.TS Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng, với việc một loạt luật mới có hiệu lực trong năm 2015, thể chế kinh tế đã có bước cải thiện đáng kể. Cộng thêm quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, tôi có niềm tin môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 sẽ được cải thiện nhiều.
Tuy nhiên, để cải cách thành công phụ thuộc rất nhiều vào khâu thực thi, mà tôi cho rằng, nhiều nơi cơ chế thực thi còn kém.
Tại diễn đàn các đối tác phát triển năm 2014 mới đây, các đối tác phát triển cũng nhấn mạnh một điểm Việt Nam còn yếu, đó chính là việc thực thi chính sách. Chính sách thì đúng, luật pháp thì đúng, nhưng thực thi không đồng bộ, thiếu quyết liệt theo những đề án, kế hoạch cụ thể. Đây là điểm cần được khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Thời gian vừa rồi có thể thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung hết sức quyết liệt cho việc cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ còn trực tiếp làm việc với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Xây dựng…
Quan trọng nhất bây giờ là khâu thực thi. Điều này cũng phụ thuộc nhiều vào từng ngành cụ thể, tư lệnh ngành, rồi cán bộ, công chức của ngành đó trực tiếp làm.
Tôi nghĩ, điểm có thể tạo ra được cái mới ngay là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phải tạo ra được động lực và áp lực trách nhiệm cho từng người, từng cơ quan cụ thể để có thể nắm bắt được những cơ hội lớn cho năm 2015.
Đầu năm 2014, ông từng nói: Để phát triển nền kinh tế thì phải có đột phá về cải cách thể chế. Ông đánh giá như thế nào về công tác cải cách thể chế của Chính phủ, của các bộ, ngành trong năm 2014?
GS.TS Vương Đình Huệ: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi tiếp cận rất mạnh dạn, mang tư tưởng rất đột phá. Ví dụ, quy định những gì mà pháp luật không cấm thì người dân, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh… Quan trọng là tập trung vào hậu kiểm. Lần này cách chúng ta tiếp cận như thế là rất tiến bộ.
Cũng liên quan đến thể chế là vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Mà cải cách thủ tục hành chính cũng là những hành vi liên quan đến thị trường, liên quan đến chủ thể và liên quan đến loại thị trường.
Trong thời gian vừa rồi, có thể nói, Chính phủ tập trung hết sức quyết liệt cho chuyện này. Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ban, ngành tập trung nhiều cho cải cách thủ tục về thuế, hải quan, về xây dựng, đất đai, tài nguyên, trong cấp phép, v.v…
Quan trọng phải tổ chức thực thi, ý thức thượng tôn pháp luật. Trước đây, chúng ta cứ tưởng điều này nằm ngoài thể chế. Thể chế mình nghĩ chỉ mấy quy định thôi, nhưng lần này tổng kết rõ ra là phải bao gồm cả vấn đề này.
Có điểm rất quan trọng mà từ trước đến giờ chúng ta ít nói, nhưng theo quan điểm quốc tế nó lại là bộ phận không tách rời của thể chế. Đó là những cơ chế chính sách để thực thi, rồi kiểm tra, rồi xử phạt trên thị trường.
Tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế, tôi được biết, họ không quan tâm nhiều đến doanh nghiệp tư hay doanh nghiệp công, Nhà nước hay tư nhân. Nhà nước và thị trường như hai mặt của một đồng xu, mỗi bên có chức năng riêng, không triệt tiêu nhau.
Thực tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) kêu mấy chuyện: Thứ nhất, họ có tiếp cận được vào những tài liệu quy hoạch, rồi những vấn đề liên quan đến văn bản chính sách, chế độ của Nhà nước một cách thuận lợi không?
Thứ hai, họ kêu thủ tục hành chính, quy trình của mình càng xuống dưới lại càng rắc rối. Vẫn có tình trạng cán bộ cơ sở tự giải thích pháp luật, tự hành xử.
Thứ ba, người ta ngại nhất chuyện chính sách thiếu nhất quán, tức là không tiên lượng được chiều hướng thay đổi.
Chúng ta phải tập trung tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” này.
Xin cảm ơn ông!
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt