Thứ Hai, 09/11/2015 21:40:16 (GMT+7)

Mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp: Sức hấp dẫn khó cưỡng

Mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thực sự trở thành điểm dừng chân cho nhiều nhà sản xuất.

Mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp: Sức hấp dẫn khó cưỡng

Sau hơn 20 năm phát triển, các KKT, KCN vẫn là mô hình ưu việt nhất để Việt Nam thu hút đầu tư

Điểm dừng chân cho các nhà sản xuất

Cách đây khoảng 2 tuần, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã chính thức nhận Giấy chứng nhận đầu tư để triển khai xây dựng hạ tầng KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, vốn đầu tư 135 triệu USD. Đây là dự án KCN thứ ba mà Sumitomo đầu tư tại Việt Nam, sau hai KCN Thăng Long I và Thăng Long II ở Hà Nội và Hưng Yên. Theo kế hoạch, KCN Thăng Long III sẽ sớm được triển khai trên diện tích 213 ha, trong đó giai đoạn I là 94,5 ha, vốn đầu tư 70,1 triệu USD. Dự án sẽ được triển khai trong vòng 18 tháng.

Không chỉ Sumitomo, từ đầu năm tới nay, Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) đã dốc vốn đầu tư vào hai KCN, một ở Nghệ An (VSIP Nghệ An) – chính thức được khởi công xây dựng giữa tháng 9 vừa qua, một ở Hải Dương (KCN Cẩm Điền, Lương Điền – mua lại của Công ty Phúc Hưng).

VSIP có thể nói là nhà đầu tư hạ tầng KCN thành công nhất ở Việt Nam, với 7 KCN – dịch vụ – đô thị trải dài khắp cả nước, đồng thời đang lên kế hoạch đầu tư một dự án tương tự ở Bình Định.

Không chỉ VSIP, hay Su-mitomo, hàng loạt tên tuổi nước ngoài khác, như Sojitz, Amata, Rent-A-Port… đã không ngừng đổ vốn thành lập các KCN tại Việt Nam. Amata sau khi thành công với KCN Amata ở Đồng Nai, cách đây ít lâu, tập đoàn đến từ Thái Lan này đã đầu tư tiếp một dự án mới ở tỉnh này với vốn đầu tư hơn 280 triệu USD, đồng thời vẫn đang đeo đuổi các dự án ở Quảng Ninh và Bình Định.

Trong khi đó, các công ty trong nước như Viglacera và FLC gần đây cũng liên tục công bố các dự án đầu tư KCN mới của mình. Tháng 9/2015, FLC đã khởi công xây dựng KCN FLC Hoàng Long ở Thanh Hóa, với vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Hai dự án có quy mô thậm chí còn lớn hơn cũng đang được FLC xúc tiến ở Vĩnh Phúc.

Xu hướng đầu tư dồn dập vào hạ tầng KCN được cho là xuất phát từ việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Thậm chí, theo ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Giám định của Công ty Tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước cơ hội kinh doanh rất lớn, nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất và cả sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, đã có 5 KCN mới được thành lập và mở rộng là Thành Hải (Ninh Thuận), Chu Trinh (Cao Bằng), Chấn Hưng (Vĩnh Phúc), Mông Hóa (Hòa Bình), Đá Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu). Như vậy, lũy kế đến hết tháng 10/2015, cả nước có 300 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 84.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 56.000 ha, chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong số này, 212 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt trên 27.000 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 49%.

Bên cạnh đó, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ hồi trung tuần tháng 9/2015 đã có quyết định về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với diện tích là 23.792 ha, thì cho tới nay, cả nước có 16 KKT ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là 814.792 ha.

Mô hình ưu việt nhất để thu hút đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhiều lần khẳng định, các KKT, KCN như những “thỏi nam châm” để thu hút đầu tư. “Cho đến nay, sau hơn 20 năm phát triển, đây vẫn là mô hình ưu việt nhất để Việt Nam thu hút đầu tư trong và ngoài nước”, ông Đông cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tizzard cũng đã khẳng định, các KCN  hiện nay, ngoài có hạ tầng cơ sở đồng bộ, cũng đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu và khai báo thuế và điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư.

Hơn mọi bình luận, con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, đó là lũy kế tính đến hết tháng 10/2015,  các KCN trong cả nước đã thu hút được 5.985 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 96,125 tỷ USD, còn các KKT thu hút được 305 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 42 tỷ USD, đã chứng minh sức hút của KKT, KCN. Ngoài các dự án FDI, các KCN và KKT cũng đã thu hút được tổng cộng hơn 1,12 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Việt Nam đang trở thành điểm đến công nghiệp số 1 trên thế giới do lợi thế về giá nhân công, lợi thế địa lý và việc liên tiếp tham gia các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Đón đầu cơ hội này, các dự án trong lĩnh vực dệt may, điện tử đã đổ vào Việt Nam, biến Việt Nam thành công xưởng mới của thế giới.

Trong một báo cáo gần đây liên quan đến chủ đề này, Cushman & Wakefield khẳng định, Việt Nam đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho ngành sản xuất sau khi nhảy một bậc so với năm 2014 để leo lên vị trí đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển của các quốc gia mới nổi trong ngành sản xuất (Growth Index). “Các nhà sản xuất thiết bị điện tử như Samsung, LG, Microsoft, Intel… đã đầu tư số tiền rất lớn vào nhà máy sản xuất của họ tại Việt Nam”, ông Tizzard cho biết.

Hiện tại, Samsung đã đầu tư tại Việt Nam tới 14,2 tỷ USD; LG là 1,5 tỷ USD; Intel 1 tỷ USD và Microsoft là hơn 300 triệu USD. Các nhà đầu tư này đang từng bước dịch chuyển đầu tư về Việt Nam và biến nơi đây trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình.

Tất nhiên, khi đã đến Việt Nam, không chỉ các tập đoàn lớn này, mà cả các nhà đầu tư khác luôn lựa chọn  KKT, KCN là địa điểm xây dựng nhà máy của mình. Số liệu thống kê cho thấy, hầu như tất cả các dự án FDI quy mô lớn đều được đặt tại các KKT, KCN.

10 tháng đầu năm, các dự án FDI quy mô lớn, như Samsung Display, 3 tỷ USD; Hyosung Đồng Nai, 660 triệu USD; Worldon TP.HCM, 300 triệu USD… cũng đều được đặt tại các KKT, KCN.

Bước chuẩn bị cho các mô hình mới

Thông tin từ Vụ Quản lý KKT cho biết, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đã đến lúc phải phát triển mô hình các KCN kiểu mới. Chẳng hạn, KCN sinh thái, KCN – đô thị – dịch vụ, cũng như các mô hình KCN dệt may, KCN chuyên sâu Nhật Bản, KCN hỗ trợ, trong đó tập trung vào hai mô hình đầu tiên.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam, mô hình KCN sinh thái tuy là mô hình mới, hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO nghiên cứu thực hiện dự án thí điểm tại 3 KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ từ năm ngoái, nhưng đã được phát triển rộng rãi trên thế giới. Ông Trần Duy Đông  khẳng định, đây là mô hình phát triển mới phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và cần được khuyến khích với cơ chế, chính sách và biện pháp phù hợp.

Tương tự, mô hình KCN đô thị – dịch vụ đã và đang được các nhà đầu tư như Becamex, VSIP, Amata, Sonadezi triển khai thực hiện tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Nghệ An, Bắc Ninh, Hải Phòng. Đặc điểm chung của mô hình này là có quy mô khá lớn (từ 500 ha trở lên), phát triển KCN được thực hiện đồng thời với phát triển các khu đô thị, khu thương mại, khu dịch vụ, khu kho bãi, khu vui chơi giải trí… Đây là mô hình mới nhưng hứa hẹn tiềm năng phát triển và khả năng thu hút đầu tư, do vậy, theo ông Trần Duy Đông, cần nghiên cứu xây dựng quy định chung về quy hoạch, đầu tư xây dựng, hoạt động và quản lý đối với mô hình trên…

Đề xuất này đã được gửi tới Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển KKT, KCN. Một khi các mô hình mới thành hình, KKT, KCN sẽ ngày càng khẳng định hơn nữa sức hấp dẫn của mình.

Theo Nguyên Đức - Báo Đầu tư