Thứ Sáu, 26/08/2016 14:47:17 (GMT+7)

Mexico, thị trường xuất khẩu dệt may “đáng kể”

Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, Mexico sẽ là một trong những thị trường đầy tiềm năng với hàng may mặc Việt Nam.

Mexico, thị trường xuất khẩu dệt may “đáng kể”

Theo Bộ Công thương, thuế suất vào thị trường Mexico hiện đang ở mức khá cao 30%. Khi TPP được thực thi, kim ngạch xuất khẩu dự kiến có thể tăng 30 – 40% ngay trong năm đầu tiên và sau khoảng 3 – 4 năm, kim ngạch sẽ tăng gấp đôi, đặc biệt với những mã hàng Mexico đang có nhu cầu lớn từ các nhà cung cấp Việt Nam như quần áo may sẵn, hàng dệt kim…

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mexico đạt 900  triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ trên tổng kim ngạch thương mại 2 chiều là 1,1 tỷ USD, trong đó, hàng dệt may đạt 400 triệu USD. Còn trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt 1,54 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Mexico là 477 triệu USD, Việt Nam xuất siêu qua Mexico là 1,06 tỷ USD.

Ý thức rất rõ về thương mại dệt may với Việt Nam khi TPP có hiệu lực trong những năm tới, các nhà sản xuất tại Mexico rất quan tâm tới ngành dệt may Việt Nam, với mục tiêu khai thác thương mại và đầu tư ở mức cao nhất. Ngày 23/8/2016 vừa qua, một phái đoàn gồm 14 doanh nghiệp dệt may Mexico đã tới Việt Nam, trực tiếp gặp gỡ, khảo sát các nhà máy sản xuất tại Việt Nam để tính chuyện giao thương quy mô hơn. Đoàn doanh nghiệp sẽ thăm 7 nhà máy và một khu công nghiệp dệt may, nhằm phân tích và nghiên cứu quy trình từ sản xuất sợi đến các sản phẩm may mặc của Việt Nam.

Theo bà Sara Valdes Bolano, Đại sứ Mexico tại Việt Nam, hoạt động giao thương về dệt may giữa Việt Nam và doanh nghiệp Mexico sẽ gặp thuận lợi hơn về xuất nhập khẩu dệt may, khi Hiệp định này có hiệu lực.

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội kinh doanh và đầu tư ngành dệt may”, ông Alfonso Juan Ayub, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Dệt quốc gia Mexico (Canaintex) cho biết, với kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD, ngành dệt may Mexico có đóng góp quan trọng cho xuất khẩu của nền kinh tế nước này. Trong xu thế hội nhập thông qua việc tham gia 12 FTA với 44 quốc gia, Mexico đang tính chuyện mở rộng quy mô sản xuất thông qua việc thiết lập liên doanh với các quốc gia châu Á mạnh về dệt may như Việt Nam. “Đây là chuyến đi đầu tiên của các doanh nghiệp dệt may Mexico. Câu trả lời hợp tác hay không sẽ sớm có khi hoàn tất chuyến thăm các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, và khảo sát cơ hội đầu tư, hợp tác”, ông Alfonso Juan Ayub cho biết.

Theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), năm 2015, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mexico đạt hơn 600 triệu USD. Nửa đầu năm 2016, dù nhiều thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm nhu cầu, nhưng xuất khẩu sang Mexico vẫn đạt 400 triệu USD. Nếu khai thác tốt phân khúc thị trường, thì kết quả cả năm 2016 sẽ rất triển vọng.

Với quy mô xuất khẩu dự báo chạm mốc 29 – 30 tỷ USD trong năm 2016, ngành dệt may Việt Nam hiện đang có quy mô lớn gấp nhiều lần Mexico và sự liên kết đầu tư, nếu sớm thành hiện thực sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc gia tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may.

Về phía Việt Nam, ông Vũ Đức Giang kỳ vọng, các nhà đầu tư Mexico mang vốn đến những lĩnh vực trong chuỗi sản xuất mà Việt Nam còn yếu, để bù đắp nguồn cung vốn còn thiếu hụt, tạo nền tảng phát triển bền vững hơn nhằm đón thời điểm hiệu lực của TPP đang đến gần.

Theo Thế Hoàng - Báo Đầu tư