Thứ Ba, 14/04/2015 10:59:22 (GMT+7)

Luật không còn cấm nhưng DN có được làm?

Còn chưa đầy 3 tháng nữa Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, song sự thiếu vắng các quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh trong hàng chục ngành nghề đang khiến các doanh nghiệp lúng túng.

Thực hiện quy định của Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 1/7/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã rà soát, tập hợp và công bố điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thế nhưng theo kết quả được công bố thì vẫn có tới 21 ngành nghề mà doanh nghiệp vẫn chưa biết sẽ phải đáp ứng điều kiện gì để có thể được kinh doanh.

Có thể kể đến một số lĩnh vực như kinh doanh pháo hiệu hàng hải; kinh doanh các loại pháo thuộc lĩnh vực quốc phòng; kinh doanh súng bắn sơn; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin trên mạng viễn thông di động, mạng Internet; kinh doanh sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin; kinh doanh dịch vụ thu hồi, vận chuyển, xử lý sản phẩm thải bỏ…

Tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đặt vấn đề, khi chưa có điều kiện kinh doanh, ai muốn kinh doanh trong lĩnh vực này cũng được hay là cơ quan chức năng tạm dừng, không cấp phép những lĩnh vực này?

Từ những hợp đồng bị bỏ lỡ

Một ví dụ là lĩnh vực kinh doanh quân trang, quân dụng. Trước đây, theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì quân trang, quân dụng là các mặt hàng cấm kinh doanh. Tương tự, theo Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP ngày 9/5/2006 của Bộ Quốc phòng, đây là những mặt hàng cấm xuất nhập khẩu.

Trên thực tế, quy định cấm sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đã gây không ít khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đã có trường hợp doanh nghiệp dệt may bỏ lỡ một đơn hàng trị giá 2 tỷ USD từ Hoa Kỳ do vướng mắc từ quy định cấm nói trên.

Lý do là hai bên đã thỏa thuận, nhưng khi gửi mẫu về Việt Nam thì đối tác kêu là hàng mẫu bị ách lại ở hải quan. “Lúc ấy quả thật là tôi cũng không biết có quy định cấm đó”, bà Dung thừa nhận. Tất nhiên qua rất nhiều thủ tục phức tạp thì doanh nghiệp cũng nhận được hàng mẫu sau cả tháng chờ đợi. Nhưng đã muộn.

Theo các doanh nghiệp, quy định nói trên không hợp lý. Bởi dệt may cũng như nhiều ngành khác, việc sản xuất gia công theo đơn đặt hàng rất phổ biến. Khi quân đội các nước có nhu cầu, ai thắng thầu thì sẽ được quyền sản xuất và cung ứng mặt hàng đó, cũng như quyền đặt các đối tác trên thế giới để sản xuất.

Mỗi đơn hàng như vậy, doanh nghiệp lại phải gửi công văn tới Bộ Công Thương xin được sản xuất, xuất khẩu mặt hàng đó. Nhưng Bộ Công Thương cũng không có quyền quyết định mà chỉ ghi nhận ý kiến, sau đó phối hợp với Bộ Quốc phòng trả lời doanh nghiệp.

“Liệu có cách nào tháo gỡ luôn cho doanh nghiệp không, chứ mỗi lần lại xin phép mấy bộ như thế này thì mất thời gian cho doanh nghiệp quá, lỡ hết cả cơ hội làm ăn”, bà Phương Dung bày tỏ.

Cần sức ép để có quy định rõ ràng

Luật Đầu tư mới không xác định kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang là ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh nữa. Thay vào đó, Luật xác định đây là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Quy định nói trên của Luật Đầu tư cũng đương nhiên bãi bỏ quy định cấm tại Nghị định 59 và Quyết định 80, là những văn bản dưới luật. Nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ quy định nào về điều kiện kinh doanh quân trang, quân dụng.

Mặt khác, Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng được ban hành để hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/6/2006 của Chính phủ. Đến nay Nghị định số 12/2006/NĐ-CP đã hết hiệu lực và đã được thay thế bằng Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, nhưng Bộ Quốc phòng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 187.

Điều này đặt các doanh nghiệp trước một tình thế chưa có câu trả lời dứt khoát: Luật không cấm, nhưng có được làm?

Trong khi ông Nguyễn Nội thiên về quan điểm cần tạm dừng cấp phép kinh doanh các lĩnh vực trên, thì TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần áp dụng nguyên tắc “người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”.

Việc quy định các điều kiện kinh doanh là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không phải của người dân, doanh nghiệp. Cho nên, khi chưa đưa ra được các điều kiện kinh doanh, người dân, doanh nghiệp vẫn có quyền làm. Tinh thần này của Hiến pháp cũng như của Luật Đầu tư buộc các cơ quan chức năng phải sớm thúc đẩy tiến độ xây dựng các điều kiện kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý.

Nói cách khác, chỉ khi nào các cơ quan chức năng ban hành được một hệ thống các điều kiện kinh doanh cụ thể, rõ ràng, thì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp mới được bảo đảm một cách đầy đủ.

Theo Thành Đạt - Báo điện tử Chính phủ