Thứ Hai, 14/07/2014 7:37:22 (GMT+7)

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Doanh nghiệp sẽ thỏa sức kinh doanh

Dự kiến, dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi sẽ trình Quốc hội thông qua trong tháng 10 tới tại kỳ họp Quốc hội thứ 8. Khi chính thức đi vào cuộc sống, Luật DN (sửa đổi) sẽ tạo ra những bước đột phá mới, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 10/7, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức “Hội thảo xin ý kiến về dự thảo 5 Luật DN sửa đổi”.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM): Luật DN hiện hành có nhiều quy định hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư. Đó là DN chỉ được quyền kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký và ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều đó dẫn tới thực trạng, nhiều DN khi đăng ký thành lập đã kê khai quá nhiều ngành nghề kinh doanh, thậm chí danh sách này dài tới vài trang A4, nhưng thực tế DN chỉ kinh doanh một vài ngành nghề nhất định. Hậu quả tất yếu gây ra là hạn chế trong công tác thống kê, tạo ra số liệu ảo đối với những đơn vị điều tra xu hướng đầu tư, kinh doanh thị trường…

Dự báo FDI đăng ký cả năm 2014 sẽ đạt mức 14 – 15 tỷ USD

FDI đăng ký 6 tháng đầu năm 2014 giảm 35% so với cùng kỳ, đạt 6,85 tỷ USD. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng điều này không quá lo ngại, bởi FDI cùng kỳ năm 2013 được đánh giá là tăng trưởng đột biến (đạt 21,6 tỷ USD) trong mặt bằng FDI đăng ký các năm gần đây.

Báo cáo kinh tế vĩ mô của BSC cũng nhìn nhận rằng, “điều này phần nào cho thấy sự kém hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế. Sự chậm chạm trong việc cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thủ tục, cũng như căng thẳng Biển Đông gần đây là những nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này”.

Báo cáo cho biết thêm, điểm tích cực là FDI giải ngân tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ nửa đầu năm 2013, ước đạt 5,75 tỷ USD. Như vậy, trong bối cảnh FDI đăng ký giảm sút, tốc độ giải ngân vẫn giữ được sự ổn định cần thiết nhằm hỗ trợ đầu tư và cán cân thanh toán trong nước.

Hiện tại, FDI đang đóng góp vào đầu tư và GDP của Việt Nam khá lớn, nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sử dụng lao động kỹ năng thấp (công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và xây dựng,…). Theo một số nghiên cứu, chỉ có khoảng 5-6% doanh nghiệp (DN) FDI mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, đồng nghĩa 94-95% DN FDI chỉ mang vào công nghệ trung bình và thấp.

Việt Nam – đích đến đầu tư hấp dẫn

Theo Báo cáo của Grant Thornton Việt Nam, 51% nhà đầu tư tư nhân khi được khảo sát cho biết sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong vòng 12 tháng tới.

Kết quả báo cáo đầu tư tư nhân vừa phát hành quý II/2014 (lần thứ 11) của Grant Thornton Việt Nam (một công ty có uy tín về tư vấn và kiểm toán doanh nghiệp) cho thấy, có 51% nhà đầu tư khi được khảo sát cho rằng trong 12 tháng tới, Việt Nam là một đích đến đầu tư hấp dẫn so với các nước khác trong khu vực. Điều này nối tiếp xu hướng niềm tin ngày càng tăng của nhà đầu tư về nền kinh tế Việt Nam.

Ông Ken Atkinson, Chủ tịch Công ty Grant Thornton Việt Nam cho rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những thách thức, tuy nhiên sự ổn định kinh tế vĩ mô đã được cải thiện và nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục. Dòng vốn nước ngoài “tiếp tục chảy” vào Việt Nam thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập trong những năm tới.

Báo cáo của Grant Thornton Việt Nam cũng cho thấy, 51% nhà đầu tư tư nhân khi được khảo sát cho biết sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong vòng 12 tháng tới, trong khi 32% ý kiến khác cho rằng họ sẽ giữ nguyên mức đầu tư.

Triển vọng lớn cho phân khúc khách sạn 3-4 sao

Cùng với tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch, lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư.

Theo Báo cáo Khảo sát ngành dịch vụ Khách sạn Việt Nam năm 2014 của Grant Thornton Việt Nam (một trong những công ty dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất trên thế giới) vừa công bố, ngành khách sạn đang có nhiều tiềm năng và triển vọng cũng như cơ hội để phát triển, trong đó, phân khúc khách sạn 3-4 sao đang có triển vọng kinh doanh tốt nhất.

Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam cho biết, du lịch Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và có nhiều triển vọng để phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng kèm theo.

Năm 2013 vừa qua, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục có một năm hoạt động phát triển khá ấn tượng với lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với năm 2012. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ngành Du lịch Việt Nam vẫn thu hút gần 4,3 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Cổ phiếu hạ tầng: Sẽ hưởng lợi từ đầu tư công?

Thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc, giao dịch ổn định chưa có những đột biến để bứt phá. Giao dịch tích cực ở nhóm cổ phiếu “nóng” được xem là động lực chính giúp giới đầu tư hưng phấn và tạo đà tăng trưởng tích cực cả về mặt chỉ số lẫn thanh khoản cho thị trường. Nổi bật nhất là giao dịch ở nhóm cổ phiếu đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng và bất động sản thu hút dòng tiền đổ vào đây.

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, chủ trương đầu tư công sẽ được thúc đẩy nhằm ổn định tăng trưởng, đi lên. Theo đó, các chuyên gia dự báo nhóm cổ phiếu luôn xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu liên quan như CII, PPI, HUT, IJC và BCE đã tăng mạnh. Cổ phiếu xây dựng và bất động sản cũng đã tăng nhiều phần trăm. Yếu tố tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng còn được kỳ vọng vào kinh doanh quý II/2014 sẽ tích cực hơn.

Tổng hợp Cuối tuần - Báo Vĩnh Phúc