Luật Doanh nghiệp 2014 trong mắt người thực thi
Những điểm mới tích cực của Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ được hiện thực hóa khi công việc tuyên truyền và hướng dẫn thực thi được coi trọng.
Luật vừa tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống của Luật Doanh nghiệp năm 2005 vừa sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của luật cũ, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đổi mới căn bản
Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định những vấn đề chung nhất, mang tính định hướng về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Về chi tiết thì “nhường” lại cho doanh nghiệp tự do, tự nguyện, cam kết, thoả thuận theo các quy định của pháp luật. Thay đổi này vô cùng quan trọng, từ đó doanh nghiệp chủ động, sáng tạo hơn khi được tự lựa chọn các mô hình, phương thức… phù hợp với hoạt động của mình.
Ví dụ như, cho phép công ty TNHH, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; cho phép công ty cổ phần có thể chọn một trong hai mô hình tổ chức, quản lý; cho phép lựa chọn cách bầu dồn phiếu hay không bầu dồn phiếu khi bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần…
Luật mới bỏ chương quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, thay bằng một vài điều khoản tổ chức thực hiện cũng theo tư duy như vậy. Nghĩa là, các cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đã được pháp luật chuyên ngành quy định, không phải và không cần ghi điều đó vào Luật Doanh nghiệp.
Luật lần này quy định rõ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, như việc luật hóa Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hay quy định cuộc họp được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Đây là tiến bộ vượt bậc so với quy định cũ là chỉ ghi vào sổ biên bản.
Luật cũng thống nhất cách hiểu về nhiều điểm mà từ trước tới nay từng gây tranh cãi, như việc chốt lại địa điểm họp được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp, mọi người không nhất thiết phải cùng ngồi họp một chỗ.
Luật Doanh nghiệp 2014 cũng luật hóa việc dùng mã số thuế làm mã số doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH; xác định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước (Luật Doanh nghiệp 2005 quy định Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã là Doanh nghiệp nhà nước); tăng cường việc bảo vệ cổ đông nhỏ (cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện…).
Luật bỏ nhiều điều khoản đã được chứng minh là hiệu quả thực thi rất thấp, như việc đăng ký danh sách cổ đông nắm giữ 5% vốn điều lệ công ty cổ phần, hoặc bãi bỏ việc gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp như cấm một người đã làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty cổ phần không được làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty khác.
Đơn giản hóa nhiều thủ tục
Trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (CNĐKDN) chỉ còn 4 nội dung so với 10 nội dung như trước đây. Các mục ngành nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh… đã được bỏ. Trong đó, điểm nhận được sự quan tâm đặc biệt là bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy CNĐKDN; bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề… Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp, làm cho doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh thực sự an toàn, đa công năng và rẻ hơn…
Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của mình theo quy định của pháp luật. Thay vì phải đăng ký với cơ quan công an như hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Có lẽ đây là một trong những điểm gây nhiều bàn cãi nhất ngay từ khâu soạn thảo và cả khi thông qua. Tuy vậy, việc này chắc chắn sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay về con dấu doanh nghiệp.
Cùng với Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 đã chính thức bãi bỏ nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể đồng thời là giấy CNĐKDN. Qua đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tại luật này đã chính thức thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ cổ đông dự họp từ 65% xuống còn 51%. Khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết thì cuộc họp đại hội đồng cổ đông sẽ được tiến hành. Đồng thời, luật quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, không tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp; bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp chủ tịch hội đồng quản trị.
Luật không yêu cầu các công ty cùng loại mới được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; đồng thời, quy định rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục, hồ sơ… Đổi mới hết sức quan trọng này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp (M&A) đang hết sức sôi động như hiện nay. Luật cũng chỉ quy định 5 trường hợp bị thu hồi giấy CNĐKDN so với 8 trường hợp của luật cũ. Đồng thời, luật mới cũng có các quy định nhằm giúp doanh nghiệp rút khỏi thị trường thuận lợi hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.
Hy vọng khâu triển khai thực hiện
Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội thông qua là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới rất trọng yếu liên quan đến doanh nghiệp, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đại đa số doanh nghiệp.
Để các quy định đổi mới của luật sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, doanh nghiệp sẽ khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn, trước hết là các điều khoản Luật đã quy định là giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện như vấn đề về con dấu doanh nghiệp, thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN…
Điều đặc biệt quan trọng phải nhấn mạnh là rất cần phải hướng dẫn các nội dung chuyển tiếp từ Luật cũ sang Luật mới như việc trên nửa triệu Giấy chứng nhận ĐKDN cũ hiện có ghi ngành nghề kinh doanh (so với sau ngày 01/7/2015 sẽ không ghi gì nữa) cùng với trên nửa triệu con dấu đã được cơ quan Công an đăng ký (so với sau ngày 01/7/2015 doanh nghiệp tự quyết về con dấu) sẽ được đối xử bình đẳng như thế nào?
Rồi Giấy Chứng nhận ĐKDN cấp cho doanh nghiệp thì không ghi ngành nghề kinh doanh, vậy Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh cấp cho hộ kinh doanh … thì có ghi ngành nghề kinh doanh hay không?
Hàng nghìn Giấy chứng nhận đầu tư kiêm Giấy chứng nhận ĐKKD khi doanh nghiệp có nhu cầu sẽ được chuyển đổi thành Giấy Chứng nhận đầu tư riêng, Giấy chứng nhận ĐKKD riêng như thế nào?…
Hàng loạt các vấn đề đặt ra đòi hỏi phải có sự quyết tâm lớn, và tầm nhìn xa, rộng, tổng kết, lắng nghe ý kiến tự thực tiễn. Trong đó, điều cực kỳ hệ trọng là việc đẩy mạnh tuyên truyền để Luật doanh nghiệp 2014 đi vào cuộc sống và có những tác động tích cực như mong muốn.
Tất cả những điều đó sẽ góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt